Đối với nhiều người chơi thì việc tương tác với các game thủ khác trong các tựa game online bằng việc chat chit hay giao đấu - đồ sát những nhân vật "khủng" khác gần như là mục đích chính để họ tham gia vào trò chơi. Bởi lẽ khi "đồ sát" các nhân vật bằng cấp hay thậm chí là yếu hơn, các game thủ có thể thấy được sự "quyền uy" của mình cũng như cảm nhận được rằng nhân vật của mình đã mạnh hơn hẳn người khác.
Thế nhưng hoạt động này gây nên khá nhiều sự ức chế cho đại bộ phận người chơi. Do đó, khá nhiều game thủ muốn thỏa chí tung hoành của mình nên đã chuyển từ các game online nhập vai sang chơi các tựa game MOBA như DOTA 2, League of Legends...
Khi sang đến các tựa game MOBA này, việc kill người chơi khác đã được gọi bằng cụm từ "gank". Vậy việc bạn "đồ sát" các nhân vật trong game sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến tổng thể của trò chơi? Chúng ta hãy cùng điểm lại tác hại của hành động này đối với các tựa game nhập vai.
Nguồn gốc của từ "gank"
Theo một số game thủ thì cụm từ gank bắt nguồn từ cách viết tắt của hai chữ "gang attack", chỉ sự tấn công của một hay một nhóm game thủ đối với người chơi khác. Trong những tựa game nhập vai, hành động này còn được gọi dưới cái tên "đồ sát".
Để hạn chế việc người chơi cấp cao "đồ sát" người chơi cấp thấp một cách vô tội vạ, các tựa game đã đưa ra khá nhiều hình phạt như ghi lại điểm "đồ sát" để "phạt tù" những người chơi hiếu chiến hay thậm chí là khiến họ bị rơi item khi bị người chơi khác "đồ sát" lại.
"Đồ sát" phá hủy trải nghiệm của game thủ trong game.
Hãy thử tưởng tượng rằng một ngày kia, khi bạn đang thoải mái phiêu lưu trong game và khám phá thế giới thì bỗng nhiên một nhân vật khác ở đâu đó xuất hiện và lao vào tấn công bạn dù bạn chẳng làm gì họ cả. Điều này liệu có để lại cho bạn ấn tượng tốt về trò chơi để bạn có thể gắn bó với tựa game đó hay không?
Hay đơn cử như khi bạn đang cố gắng làm một nhiệm vụ và phải đánh một số lượng quái vật nhất định, bỗng từ đâu xuất hiện một gã "phá đám" cứ liên tục tấn công và phá rối quá trình làm nhiệm vụ của bạn. Lúc này, nếu bạn quay ra đáp trả hay nhẫn nhịn né tránh thì điều này cũng khiến cho tiến độ hoàn thành nhiệm vụ của bạn chậm hơn hẳn bình thường.
"Đồ sát" làm giảm khả năng PvP của game thủ
Nhiều game thủ kì cựu của các tựa game online nhập vai cho rằng muốn nâng cao kĩ năng của mình thì cứ bật "đồ sát" lên, đánh nhau thật nhiều là sẽ giỏi thôi. Thế nhưng điều này cũng không hoàn toàn chính xác. Đồng ý rằng nếu bạn sử dụng kĩ năng và lao vào các cuộc chiến nhiều, kinh nghiệm của bản thân về giao đấu PvP sẽ được nâng cao.
Thế nhưng có một điều rõ ràng đó là kinh nghiệm PvP của bạn sẽ chỉ được nâng cao trong các cuộc giao đấu công bằng mà thôi. Còn việc "đồ sát" lại mang tính chất đánh lén nhiều hơn là giao đấu công bằng nên việc bạn tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân từ các cuộc giao đấu "phi nghĩa" này là hoàn toàn nhảm nhí.
"Đồ sát" khiến môi trường game trở nên hỗn loạn
Có một câu nói mà các fan của truyện kiếm hiệp đã khá quen thuộc đó là "oan oan tương báo". Bạn "đồ sát" một game thủ khác trong game sẽ khiến họ bực tức mà quay lại tìm cách trả thù. Họ sẽ có thể gọi thêm bạn bè đến để tìm cách "đồ sát" lại bạn.
Hay đôi khi cảm thấy bất lực, họ có thể sẽ lại "trút giận" lên những game thủ khác yếu hơn họ và tạo nên những cuộc tranh đấu không bao giờ có hồi kết trong game. Từ đấy, thế giới game yên bình của bạn sẽ dần trở nên hỗn loạn, không có một bãi quái nào yên bình dành cho các game thủ yếu đuối train quái hay làm nhiệm vụ.