Ngày này 15 năm trước, ngày 4 tháng Hai năm 2004, Mark Zuckerberg ra mắt Facebook.
Kể từ khi đó, Facebook đã trở thành mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới, trong khi tài sản ròng của Zuckerberg tăng bùng nổ lên hơn 60 tỷ USD.
Trong những năm gần đây, khả năng lãnh đạo của Zuckerberg đã bị nhiều nghi vấn – khi việc mạng xã hội này đang chịu sự giám sát ngày càng chặt chẽ trước một báo cáo cho thấy họ biết về các nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Facebook, cùng nhìn lại hành trình nhiều thăng trầm của mạng xã hội này, từ khi được lập ra trong phòng ký túc xá của Harvard cho đến khi CEO của họ phải ra điều trần trước Quốc hội vào năm ngoái.
Facebook, nền tảng mạng xã hội đột phá do nhà đồng sáng lập, CEO Mark Zuckerberg ra mắt vào ngày 4 tháng Hai năm 2004.
Zuckerberg khi đó đang là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Harvard khi anh xây dựng nên Facebook với những người bạn học là Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris Hughes.
Dưới đây là hình ảnh về Facebook phiên bản đầu tiên – với cái tên ban đầu The Facebook – giao diện đúng như web những năm 2000.
Một tháng sau khi ra mắt, một nửa sinh viên Harvard là thành viên Facebook. Zuckerberg quyết định bỏ học vào năm 2004 để tập trung hoàn toàn cho phát triển kinh doanh.
Facebook chuyển tới một văn phòng nhỏ ở Palo Alto, California, và vào tháng Năm 2005, họ đã huy động được số quỹ gần 14 triệu USD. Tờ New York Times khi đó đã gọi Zuckerberg như "cậu bé phù thủy 21 tuổi".
Đồng thời với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Facebook là tài sản của Zuckerberg. Năm 2008, anh lần đầu bước chân vào danh sách Tỷ phú Thế giới của Forbes, với tài sản ròng trị giá 1,5 tỷ USD. Anh cũng là người trẻ nhất trong số 1.124 tỷ phú trong danh sách.
Cùng năm đó, Facebook dàn xếp một vụ kiện với những người bạn học cũ tại Harvard, bao gồm anh em Cameron và Tyler Winklevoss và Divya Narendra, những người trước đó đã cáo buộc Zuckerberg ăn trộm ý tưởng về Facebook từ mạng xã hội Connect U của họ. Theo thỏa thuận dàn xếp này, họ nhận được 1,2 triệu cổ phiếu Facebook.
Trong vài năm tiếp theo, Zuckerberg có liên quan đến một số vấn đề chính trị, bao gồm việc ủng hộ khả năng truy cập internet trên khắp toàn cầu.
Năm 2012, Zuckerberg đạt được một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp khi Facebook niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York Stock Exchange. Vào lúc này, đó là thương vụ IPO lớn nhất công nghệ lớn nhất trong lịch sử.
Trong vài năm tiếp theo, Zuckerberg đã cho thấy năng lực điều hành kinh doanh của mình bằng cách thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm khôn ngoan. Facebook mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2012 và WhatsApp với mức giá 19 tỷ USD vào năm 2014.
Năm 2014, Facebook cũng mua lại Oculus, công ty sản xuất thiết bị VR với giá 2 tỷ USD.
Đến cuối năm 2014, tài sản ròng của Zuckerberg đạt mức 30 tỷ USD, tiếp tục tăng ổn định trong hơn 3 năm tiếp theo.
Một giai đoạn mới trong sự nghiệp của Zuckerberg bắt đầu vào năm 2015 khi anh cùng vợ mình, Priscilla Chan ra mắt sáng kiến Chan Zuckerberg Initiative. Cặp đôi này cam kết sẽ dành 99% giá trị cổ phiếu Facebook của họ cho quỹ từ thiện để "nâng cao tiềm năng của con người và thúc đẩy bình đẳng."
Năm 2017, Zuckerberg dường như muốn tham gia vào sự nghiệp chính trị khi anh bắt đầu chuyến hành trình đi khắp nước Mỹ. Anh được chụp ảnh bên cạnh một dây chuyền lắp ráp xe Ford tại Michigan, thăm lại chiến trường Missisippi trong cuộc Nội chiến Mỹ và tham gia một buổi lễ tại nhà thờ ở Nam Carolina.
Nhưng cùng lúc đó, Facebook cũng bị kiểm soát gắt gao do vai trò của họ trong việc phát tán tin giả và thông tin sai lệch vào dịp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Năm 2018, một thông tin chấn động cho biết, hãng tư vấn tại Anh, Cambridge Analytica đã mua lại 87 triệu dữ liệu cá nhân từ người dùng Facebook để tác động lên kết quả bầu cử có lợi cho ông Donald Trump.
Zuckerberg đã giải quyết được vụ scandal này bằng cách ra điều trần trước Quốc hội vào tháng 4 năm 2018 khi cho biết, "chúng tôi đã mắc nhiều sai lầm trong việc điều hành công ty. Tôi tin rằng sẽ gần như không thể khi bắt đầu một công ty trong phòng ký túc xá và sau đó phát triển nó tới quy mô như chúng tôi hiện tại mà không mắc phải một sai lầm nào."
Theo Bloomberg, trong vòng 10 ngày sau khi báo cáo về vụ Cambridge Analytica xuất hiện, tài sản ròng của Zuckerberg giảm từ 75 tỷ USD xuống còn 62,2 tỷ USD.
Khả năng lãnh đạo của Zuckerberg lại một lần nữa bị nghi ngờ khi vào tháng 11 năm 2018, một báo cáo chấn động trên New York Times cho biết Facebook biết về nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ đầu năm 2016, nhưng lại đợi hơn một năm sau đó mới chia sẻ thông tin này.
Báo cáo cũng cho biết COO của Facebook, bà Sheryl Sandberg đứng đầu một chiến dịch vận động để làm chệch hướng những lời chỉ trích nhắm vào công ty sang các công ty đối thủ và nhà tỷ phú George Soros.
Khi cổ phiếu Facebook bắt đầu giảm liên tục vào tháng Bảy, Zuckerberg đã nói một cách bướng bỉnh với CNN rằng, mình không có dự định từ nhiệm vị trí CEO của Facebook.
Đến cuối năm 2018, tài sản ròng của Zuckerberg đạt mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua khi xuống còn 49,4 tỷ USD. Nhưng sau đó nó đã bật tăng trở lại, và giờ đứng ở mức 65,6 tỷ USD, biến anh trở thành người giàu thứ 5 trên thế giới.
Khi facebok kỷ niệm sinh nhật lần thứ 15 của mình, công ty đang đối mặt với một tương lại bất định. Không còn nghi ngờ gì về việc Mark Zuckerberg đã đi được một quãng đường dài kể từ khi ra mắt trang web của mình trong phòng ký túc xá của Harvard từ năm 2004 đến nay.
Tham khao Business Insider