Kể từ khi Apex Legends được tung ra vào năm 2019, Respawn Entertainment đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía game thủ vì những tính năng mới lạ mà họ đưa vào trong tựa game Battle Royale của mình. Không lâu sau đó, một số tính năng trong số này được Epic Games “mượn tạm” để đưa vào trong Fortnite Battle Royale, một tựa game vốn cũng khá độc đáo với tính năng xây dựng được chuyển sang từ phiên bản gốc Save the World ngày nào. Có thể kể đến những tính năng như Loot Vault trong Season 2 vừa ra mắt của Fortnite, hệ thống ping, chiếc xe tải hồi sinh,… đều là những phần lấy ý tưởng từ các tính năng Respawn tạo ra cho game của họ.
Ngoài ra, có vẻ như cả ý tưởng về skin và nhân vật của Apex Legends cũng bị Epic “mượn.” Gần đây nhất, một nhân viên của studio này là Moy Parra đã “đâm thọc” đối thủ khi nhắc đến việc Epic Games tung ra bộ trang phục Crypto và các vật phẩm, vũ khí mang chủ đề này. “Tôi cảm thấy như mình đã nghe về anh chàng này ở đâu đó trước đây nhưng không xác định được.” Dĩ nhiên là Moy Parra xác định được, vì Apex Legends mà anh góp phần tạo ra có một nhân vật gọi là Crypto, với tông màu xanh lá quen thuộc. Hay bộ trang phục Caution trông cũng giống Caustic của Apex Legends một cách khá lạ lùng, như bạn có thể thấy bên dưới.
Epic Games chưa từng ngại ngùng trong việc vay mượn ý tưởng từ những nguồn bên ngoài trong quá khứ – ngay cả nhiều điệu nhảy mà họ đang có trong Fortnite cũng đến từ các nguồn bên ngoài, điều dẫn đến một số vụ kiện tụng (một số đã bị tạm hoãn do tòa án Mỹ thay đổi cách xử lý kiện tụng bản quyền). Dĩ nhiên nhà phát triển này cũng có nhiều sáng tạo của riêng mình, nhưng đây là một bài viết về “sao chép” trong game, nên Mọt tui sẽ không dành nhiều câu chữ để nói về chúng. Chúng ta chỉ cần nhận ra rằng Epic Games không ngại ngần trong việc trực tiếp vay mượn, sao chép ý tưởng từ đối thủ để làm lợi cho mình, ngay cả khi họ nhận một số chỉ trích từ các khổ chủ của những ý tưởng đó.
Sao chép, nhưng không sao chép
Bây giờ hãy nói đến Valorant, tựa game bắn súng mới của Riot. Trò chơi này là một tựa game “bắn súng chiến thuật gặp gỡ quyền năng siêu nhiên,” theo lời giới thiệu của Riot trên trang chủ của Valorant. “Mọi người đều có súng và một bộ kỹ năng độc nhất,” và “Valorant là một tựa game cho các chiến lược gia liều lĩnh dám thực hiện những hành động bất ngờ, vì nếu nó giúp bạn chiến thắng, nó có tác dụng tốt.” Đi kèm với những lời mô tả đó là các video đem lại cho game thủ khắp thế giới cái nhìn đầu tiên về gameplay của tựa game này.
Và trong những bài viết gần đây của Mọt tui về trò chơi này, một trong những quan điểm mà Mọt thường xuyên được thấy là những lời chỉ trích rằng Riot đã sao chép gameplay của các tựa game bắn súng khác trên thị trường như Overwatch, Counter-Strike: Global Offensive, Rainbow Six Siege và một vài cái tên khác. Vì vậy, game thủ “thân ái” trao cho trò chơi những cái tên đầy nhạo báng như Counterwatch: Overstrike, Overwatch: Global Offensive, League of Strike: Runaterra’s Offensive…
Thật vậy, không ai có thể chối cãi rằng Valorant mang quá nhiều nét tương đồng với những tựa game bắn súng khác hiện có trên thị trường và nếu tách biệt từng thành phần của trò chơi, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy điều đó. Súng ống giống CS:GO. Kỹ năng giống Rainbow Six Siege. Nhân vật từa tựa Overwatch. Đồ họa mang nét Paladin. Mọt chắc chắn rằng trong tương lai khi Riot tiếp tục tung ra thêm những thông tin mới về trò chơi này, bạn sẽ còn tìm ra được nhiều điểm giống nhau giữa nó với nhiều tựa game khác nữa.
Nhưng đánh giá một tựa game như vậy có công bằng không? Chúng ta không thể trải nghiệm một trò chơi bằng cách tách nó thành từng phần riêng biệt, mà luôn phải trải nghiệm tất cả những gì nhà phát triển đã tạo ra cho nó, bao gồm tính năng, hình ảnh, âm thanh… Ở phương diện này, Mọt xin mạnh dạn nói rằng Valorant là chính nó, bởi bạn không thể tìm thấy tất cả những tính năng của trò chơi trong một tựa game nào khác. Overwatch không có cảm giác bắn như CSGO, Rainbow Six Siege không có các nhân vật đặc sắc như Overwatch, CS:GO không có kỹ năng như Overwatch,… và vì thế chúng đều khác biệt với Valorant.
Tương tự như vậy, nếu tạm bỏ qua những màn vay mượn ý tưởng skin hay dance trắng trợn trong Fortnite Battle Royale vốn không ảnh hưởng gì đến gameplay, tựa game của Epic vẫn là độc đáo. Quả thật nó đã sao chép thiết lập 100 người chơi, 1 người chiến thắng của PUBG. Quả thật nó đã “nẫng” ngay hệ thống ping của Apex Legends chỉ vài ngày sau khi tựa game của Respawn xuất hiện. Ngay cả yếu tố xây dựng Fortnite Battle Royale thừa hưởng từ Fortnite Save the World cũng có thể được xem là vay mượn từ Ark: Survival Evolved. Thế nhưng trước Fortnite, chưa có tựa game nào kết hợp Battle Royale và xây dựng “tốc độ cao” lại với nhau, vì vậy Fortnite vẫn là chính mình.
Lấy lòng game thủ quan trọng hơn sáng tạo
Ranh giới giữa sự sao chép thuần túy và nét độc đáo có lẽ là khá mong manh. Số lượng ý tưởng không phải là vô hạn, và các nhà phát triển game hơn kém nhau ở khả năng biến ý tưởng thành hiện thực trong trò chơi của mình. Khi một tựa game giống những game khác, điều quyết định sự thành công của trò chơi không phải là ai sao chép ai, mà là ai làm tốt hơn và được lòng game thủ hơn. PUBG và Fortnite là ví dụ rõ ràng: trong khi PUBG liên tục mất người chơi còn PUBG Corp bị chỉ trích nặng nề dù không ngừng tung ra những nội dung mới, Fortnite vẫn tận hưởng thành công lâu dài dù không còn ở thời điểm hoàng kim. Lý do của điều này là bởi Fortnite sở hữu những yếu tố như phong cách đồ họa hoạt hình, sự vui nhộn, nhịp độ cao, tối ưu hóa tốt – những điều đã khiến trò chơi được lòng game thủ hơn PUBG, và vì thế nó chiến thắng.
Nhưng game thì quá nhiều, kẻ chiến thắng lại chỉ có một. Vậy nên với rất nhiều nhà phát triển, tựa game của họ không cần phải chiến thắng, mà chỉ cần tồn tại. Nhiều game thủ nói rằng Valorant có lẽ sẽ không thể đánh bại CS:GO, bao gồm cả những người nổi tiếng như Shroud, một cựu binh CS:GO (và nhiều game bắn súng khác). Riot lại nói rằng đó không phải là mục đích của mình. Giám đốc sản xuất của trò chơi là bà Anna Donlon nói rằng “không có bức tường nào ở văn phòng của chúng tôi treo khẩu hiệu ‘phá hủy CS:GO’ hay ‘lấy một nửa người chơi Overwatch.’ Đó không phải là tiêu chí thành công của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng còn có rất nhiều game thủ chưa tìm thấy tựa game bắn súng phù hợp. Hoặc họ thích một tựa game trong một thời gian ngắn. Có thể Valorant là dành cho họ. Chúng tôi biết nó chắc chắn không phải dành cho tất cả mọi người.”
Như vậy, Riot cũng biết rằng độc đáo không phải là chìa khóa để thành công, sao chép cũng không phải là điều khiến game thất bại. Thứ quyết định thành bại của một trò chơi là khả năng làm hài lòng game thủ của nó, và đó là điều mà chúng ta không thể phán đoán chỉ bằng hình ảnh, video gameplay hay trailer, mà còn phải chờ xem sản phẩm cuối cùng và cảm nhận của cộng đồng khi được tận tay trải nghiệm nó.