Khởi nguồn là một chế độ bổ sung cho phần chơi Campaign, ngày nay, game trực tuyến đã trở thành một nền tảng hoàn toàn riêng biệt. Rất nhiều trò chơi chỉ hỗ trợ chế độ online chứ không còn phần chơi đơn nữa. Tính tới thời điểm hiện tại, game thủ đã có quá nhiều sự lựa chọn về game online, đa dạng về thể loại, được phát triển mạnh ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu.
Tuy nhiên, nhìn vào sự phổ biến ngày nay, liệu bạn đọc đã từng hình dung về khởi nguồn của nền tảng game trực tuyến chưa? Trên thực tế, những trò chơi online thuộc thế hệ đầu tiên có cách chơi hoàn toàn khác với bây giờ. Nền tảng đồ họa thuở khai sinh của game online hoàn toàn không có và cách trải nghiệm, tương tác giữa những người chơi cũng hết sức hạn chế.
Tất cả bắt đầu từ PLATO
Khi nhắc tới game trực tuyến, hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ tới những gã khổng lồ như Steam, Blizzard hay trên console có Xbox Live và PSN. Các dịch vụ này phát triển và mở rộng từ những năm 1990 và 2000, đưa toàn bộ game thủ trên thế giới lại gần nhau hơn, đưa trải nghiệm trò chơi điện tử lên một tầm cao mới. Để rồi tất cả cùng mở ra những giải đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, tiên phong của loại hình game trực tuyến phải kể tới PLATO từ những năm của thập niên 1960.
PLATO (viết tắt của Programmed Logic Automatic Teaching Operations) ban đầu được phát triển cho giáo dục. Hệ thống này giúp cho sinh viên (về sau có cả học sinh cấp ba) dễ dàng tạo ra được những chương trình học của riêng mình. Chính PLATO đã đem lại cách chơi mới cho tựa game Spacewar – một trò chơi được tạo ra trước khi có PLATO, mở ra một không gian chiến đấu rộng lớn giữa những người chơi trên cùng một mạng của hệ thống.
Do đó, dịch vụ chơi game trực tuyến đầu tiên phải kể tới hệ thống PLATO.
MUD – Ông tổ của MMORPG
MMORPG đã bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Everquest đã dẫn tới thành công to lớn của những World of Warcraft, sau đó là Star Trek Online, hay Star Wars: The Old Republic và Marvel Heroes. Sức hấp dẫn của các game MMORPG là không cần bàn cãi: người chơi có thể tham gia khám phá một thế giới rộng lớn cùng hàng trăm, hàng nghìn người chơi khác. Tuy nhiên, để nhắc về sự khai sinh ra MMORPG, chúng ta phải nhắc tới MUD.
MUD (Multi-User Dungeon) là một mạng lưới thế giới ảo, đa người dùng được dựng nên hoàn toàn bằng văn bản. MUD được kết hợp bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có các game nhập vai, hack-n-slash, tiểu thuyết tương tác và kênh chat online. Người chơi muốn trải nghiệm MUD có thể đọc mô tả về bối cảnh căn phòng, các đồ vật xung quanh hay mô tả về người chơi khác, các nhân vật và hành động thực hiện trong thế giới ảo đó. Những người chơi sẽ tương tác với nhau bởi các câu lệnh. Người ta lập luận rằng World of Warcraft hay Second Life đều có thể có nguồn gốc từ MUD. MMORPG RunScape thậm chí là một trò chơi MUD, được chơi bằng cách gõ văn bản trước khi nền đồ họa được áp dụng vào.
Hầu hết MUD được free cho người chơi, một số trò chơi khác có thể có mục quyên góp, cho phép người chơi mua các vật phẩm trong game, hoặc có phần đăng ký theo gói hàng tháng. Trước khi thuật ngữ MMORPG ra đời, tất cả những trò chơi thuộc thể loại này đều được gọi dưới cái tên MUD đồ họa. Một số nhà phát triển các game nhập vai trực tuyến chịu ảnh hưởng nhiều từ MUD, hoặc đã từng phát triển MUD.
Trò chơi FPS đầu tiên
Khi nhắc tới những trò chơi FPS trực tuyến đầu tiên, người hâm mộ thường nghĩ tới Doom, GoldenEye hay Halo. Tuy nhiên, các trò chơi FPS trực tuyến sẽ không có được ngày hôm nay nếu như Maze War không ra đời. Đây mới chính là trò chơi FPS đầu tiên mà đã bị các game thủ lãng quên hoặc không biết tới.
Ban đầu, game được tạo ra bởi một thực tập sinh NASA, có tên Steve Colley, vào đầu những năm 70. Khi đó, anh đã nghĩ rằng một trò chơi mà bắt game thủ phải thoát khỏi một mê cung nhưng lại chỉ được phép nhìn thấy những gì trước mắt họ, chứ không phải là nhìn toàn cảnh mê cung từ trên xuống. Sau đó Steve phát hiện ra các hành lang mê cung này nếu để trống sẽ nhàm chán, nên anh cùng đồng nghiệp đã thêm “gia vị” vào trò chơi, cho phép người chơi bắn nhau với những người chơi khác. Luật chơi cực kỳ đơn giản: bắn hoặc bị bắn.
Về sau, trò chơi được chuyển sang MIT, cho phép 2 người chơi chiến đấu với nhau. Maze War tiếp tục được sử dụng, nâng cấp và mạng lưới online tiếp tục được phát triển. Cho tới ngày nay, bạn có thể trải nghiệm Maze War trên các nền tảng như Facebook. Hầu hết các game thủ đều không biết rằng những điều thú vị họ đang trải nghiệm trong Call of Duty hay Overwatch đều có xuất phát điểm từ Maze War.
Game nhập vai thương mại đầu tiên
Về cơ bản, các game nhập vai đầu tiên là những dòng chữ được game thủ viết và chơi dưới dạng MUD. Các nhà phát triển đã không mất nhiều thời gian để nghĩ ra một tựa game nhập vai trực tuyến, và kiếm tiền từ nó như một dịch vụ thương mại. Tôi có thể lấy ví dụ về Island of Kesmai, trò chơi nhập vai được thương mại hóa đầu tiên trên thế giới, phần tiếp theo của Dungeons of Kesmai.
Dungeons of Kesmai được phát triển bởi Kelton Flinn và John Taylor. Trò chơi này được yêu thích tới mức họ phải buộc tạo ra những hạn chế quyền truy cập để sinh viên không xao nhãng việc học hành. Thực tế khi trò chơi mới được phát hành, rất nhiều người đã bỏ học để chơi nó, điều này có thể dẫn tới hệ lụy xấu.
Dungeons nhận được nhiều lời khen ngợi, nên Kelton và John đã phát triển tiếp phần tiếp theo, đó chính là Island of Kesmai. Trò chơi này hỗ trợ được nhiều người chơi hơn cùng lúc (so với 6 người ở bản Dungeons). Nhìn thấy tiềm năng thương mại của trò chơi, 2 người họ đã thỏa thuận với Compuserve để lưu trữ trực tuyến, mặc dù Compuserve tính phí cắt cổ. Island of Kesmai không chỉ là trò chơi trực tuyến thương mại đầu tiên, nó còn là sản phẩm đầu tiên có cấu trúc “phần thưởng – nhiệm vụ” cơ bản nhất.
Hệ thống trực tuyến của Nintendo
Nintendo không được biết tới như một hãng với hệ thống chơi game trực tuyến. Tuy nhiên, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng Nintendo lại là một trong những hãng đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Nhiều hệ thống Nintendo với các tiện ích đặc biệt chỉ được phát hành tại Nhật chứ chưa bao giờ được đưa sang thị trường Mỹ, bao gồm một modem đặc biệt, cho phép chơi trực tuyến một số tựa game nhất định. Tuy nhiên, ban đầu dự án này đã không thành công cho lắm. Nintendo lại tiếp tục với Satellaview cho hệ máy Super Famicom. Thiết bị này đã tiên phong một số tính năng trực tuyến, cho phép người dùng download một số trò chơi tại thời điểm nhất định trong ngày.
Dù hãng không cung cấp nhiều game trực tuyến cho Satellaview, nhưng Nintendo đã thực hiện một cuộc cách mạng khác. Thông qua thiết bị Satellaview, Nintendo đã cung cấp những bản vá lỗi, những nội dung thêm cho trò chơi gốc, khai sinh ra các bản patch hay DLC mà chúng ta biết tới ngày nay.
—
Bấm liền tay – Nhận ngay quà tặng từ văn phòng phẩm Hồng Hà cho mùa tựu trường: http://bit.ly/2KivZKo