Trong Battlefield 1 phần đấu mạng có một bản đồ mang tên Argonne Forest dựa theo khu rừng có thật tại miền Đông Bắc nước Pháp. Cũng như bản đồ Operation Metro khét tiếng từ Battlefield 3 và 4, Argonne Forest tập trung vào các pha đọ súng tầm gần với số lượng game thủ cực đông. Nhưng việc giết càng nhiều địch càng tốt không phải là mục tiêu chính, mà thay vào đó game thủ sẽ phải hỗ trợ phe mình chiếm được phần lớn số cứ điểm trên bản đồ. Chiếm được nhiều hơn đồng nghĩa với điểm số sẽ tăng nhanh hơn, mang về chiến thắng tuyệt đối nếu chạm mốc 2000 point trước phe địch. Sẽ chẳng có gì để nói nếu số cứ điểm trên bản đồ là số lẻ. Điều này có nghĩa là luôn luôn có một cứ điểm nào đó mà hai bên sẽ dốc toàn bộ quân lực để chiếm bằng mọi giá. Tại Argonne Forest (cũng như nhiều bản đồ khác) đó là điểm C, vốn được đặt ngay trên cây cầu độc đạo. Hai bên cầu là khu vực rừng núi với địa thế cao, cho phép bất cứ ai cũng có thể nã đạn xuống đầu kẻ địch nếu chúng cố gắng chiếm lấy cứ điểm này. Cũng xin nhớ là hệ thống cứ điểm của Argonne Forest được xếp theo một tuyến đường thẳng với hệ thống đường tắt đan nhau, gần như ép hai bên phải đối đầu trực diện.. đặc biệt là ở điểm C.
Vì thế, khởi đầu mỗi trận đấu tại Argonne Forest bạn có thể nhận ra ngay cục diện bằng cách quan sát cách mà đồng đội di chuyển. Nếu phần lớn họ dừng lại ở A và B (tương ứng là D và E ở phần bên kia bản đồ) rồi mới tới C, bạn biết trận đấu trước mắt sẽ vô cùng khó khăn. Tại sao? Đơn giản vì khả năng cao phe địch sẽ chiếm C trước. Với địa thế của nó, không một ai có thể toàn mạng mà đặt chân lên cây cầu. Nói theo cách khác, ai chiếm C đầu tiên người ấy sẽ nắm trong tay cơ hội chiến thắng cực lớn. Và ngược lại, một Team có kinh nghiệm và chấp nhận hy sinh (không được điểm do không dừng lại ở A và B), sẽ chọn cách lao thẳng về C để giành lợi thế cho toàn trận đấu. "Biết bỏ qua cái lợi trước mắt bạn sẽ chiến thắng lâu dài", đó là câu nói bao hàm toàn bộ tính chiến thuật của Argonne Forest.. Và nếu không làm được điều đó, bạn sẽ luôn là kẻ thua cuộc.
Từ đây, người viết xin bắt đầu câu chuyện với một người bạn của mình, một người với khoảng nửa tá đồng đội sẽ chỉ dừng lại ở những điểm A và B nhằm giành giật lấy vài trăm point, để rồi sau đó khiến cả Team rơi vào thế khó. Không phải họ không biết điểm C quan trọng đến thế nào, không phải họ không thấy có những người đang lao thẳng về C bằng hết sức có thể, mà đơn giản chỉ vì họ không quan tâm. Họ nghĩ công việc kia hẳn sẽ có những người khác làm, trong khi đó mình ở lại đây và tranh thủ vài con số nhỏ nhoi. Suy nghĩ đầu tiên của mình là nhưng hành động ấy thể hiện sự ích kỷ, thiếu suy nghĩ, và vô trách nhiệm.. Nhưng mình là ai mà có thể phán xét cơ chứ? Nó chỉ là một trò chơi đơn thuần, thắng thua là điều vô thưởng vô phạt trong game. Một số người còn có thể dễ dàng buông câu "đừng quan trọng hóa vấn đề như thế chứ, đây chỉ game thôi mà". Mình hoàn toàn đồng ý, game vẫn chỉ là game, đâu có thể đánh đồng một ai đó mà mình chưa gặp ngoài đời với một hành động trong thế giới ảo đúng không? Nhưng chỉ có điều mình thực sự gặp một người trong số họ ngoài đời thật.
Người mà mình nói đến là một người bạn, không quá ham mê game và cũng chẳng làm việc với game như mình. Bạn ấy đơn giản chỉ muốn vào game và coi nó là một trò giải trí đơn thuần không hơn không kém. Nhưng chẳng hiểu tại sao mình luôn thấy cách mà người bạn ấy chơi game và cách cư xử ngoài đời như mang một mối liên kết nào đấy. Mỗi khi tụ tập và hẹn họ vào một giờ cụ thể, bạn ấy luôn là người đến sau. Khi hỏi sao hay đến muộn vậy? Câu trả lời chỉ là "nếu có ai đó đến muộn chẳng phải mình thành người phải chờ sao. Để họ chờ còn hơn để mình chờ". Hẳn ai cũng như thế thì cuộc hẹn nào cũng muộn màng và chẳng ai còn tôn trọng nhau nữa.
Trong chuyện tình cảm, bạn ấy cũng có không ít người theo đuổi. Mối này mối khác, đôi khi lại thấy đi cùng với một người khác nhau. Khi được hỏi đã chọn ai chưa, rõ ràng rồi chứ? Bạn ấy lại nói mình cũng chẳng biết mình thích ai nữa, cứ vậy thôi. Hỏi tại sao không thẳng thừng đi vì đối phương thấy cũng quá mệt mỏi trong việc chờ câu trả lời rồi, có thì có, không thì không, để họ giải thoát đi.. Câu trả lời chỉ là sự bập bùng, mờ mờ ảo ảo. Đó, cách sống của người ấy chỉ gói gọn trong bản thân mình, lúc nào cũng đầy sự mông lung, không rõ ràng, và dường như cũng chẳng bao giờ màng đến người khác, cũng như chính sự thể hiện của người ấy trong game. Nhiều người nghe thấy khẳng định này hẳn sẽ bác bỏ. "Làm gì có chuyện, game là game, đời là đời, sao trong game lại có thể phản ánh cuộc sống thật được??". Nhưng một điều những tưởng phi lý như thế lại hoàn toàn logic vì cách mà ai đó sống sẽ thể hiện trong mọi hành động, mọi cử chỉ, lời nói và suy nghĩ dù chỉ là nhỏ nhất. Game, vốn là một hình thức giải trí, nơi mà con người ta có thể tự do thoát mình trong một thế giới không giới luật, lại chính là nơi cho họ bộc lộ rõ nhất con người mình.
Nói tới đây nhiều người sẽ nghĩ đến DayZ - bản Mod nổi tiếng của series FPS Arma. Với lối chơi xoáy sâu vào sự sống còn và việc xóa bỏ hoàn toàn mọi quy luật áp đặt vào game thủ, DayZ biến thành một thử nghiệm xã hội thật sư. Khi không còn thức ăn, nước uống, khi cái chết lúc nào cũng trực chờ trên đầu, khi pháp luật không còn để trừng trị kẻ xấu, người sẽ đối xử với người ra sao? Ngay lập tức chúng ta có câu trả lời. Đôi khi ai đó giết bạn đơn giản vì họ có thể, đôi khi ai đó chĩa súng vào đầu bạn và bắt bạn làm những trò quái đản, đôi khi ai đó cứu bạn khỏi họng súng kẻ thù, đôi khi ai đó chỉ cho bạn miếng thức ăn nhỏ nhoi dù mới chỉ gặp nhau vài phút.. Đó, tất cả con người thật của chúng ta đều lộ rõ khi bước chân vào game, và vì thế cách mà chúng ta chơi game phản ánh ít nhiều cách mà mỗi chúng ta sống. Khi không còn ràng buộc bởi ngoại hình và danh tính, thế giới ảo sẽ là nơi cho chúng ta biết chúng ta là ai. Hèn nhát hay dũng cảm, thẳng thắn hay hai mặt, rõ ràng hay mông lung, quan tâm hay ích kỷ..