Game vốn là một công cụ để giải trí, là nơi để người chơi xả stress, tìm cảm giác thư giãn sau những giờ học cũng như làm việc căng thẳng. Mục đích vốn có là vậy, thế nhưng chẳng ai có thể ngờ được, đôi khi chính những tựa game - thứ vốn được dùng để giải trí, thư giãn lại mang tới những áp lực vô hình dành cho các game thủ. Bạn không tin ư, hãy đọc những điều dưới đây, chắc chắn ai trong số chúng ta cũng từng trải qua các loại áp lực này rồi đấy.
Áp lực bị thiệt, sợ lỡ mất tài nguyên trong game
Đây là thực trạng dễ thấy trong nhiều các tựa game MMORPG mang phong cách cày cuốc. Thường thì nhà phát hành sẽ luôn tạo ra những sự kiện, phụ bản, tính năng tuần hoàn theo giờ và cung cấp cho game thủ những phần thưởng, tài nguyên không nhỏ trong game. Đừng tưởng rằng đây là điều tích cực, nên nhớ, nó cũng là một áp lực vô hình dành cho các game thủ đấy.
Các game thủ luôn bị ám ảnh việc phải tham gia mọi hoạt động cho phần thưởng miễn phí
Sở dĩ nói như vậy vì điều này sẽ tạo cho các game thủ một suy nghĩ mãnh liệt rằng "Mình phải tham gia sự kiện, phó bản". Để lỡ một phụ bản cũng đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một phần thưởng miễn phí trong game, trở nên thua thiệt hơn so với người chơi khác. Và với suy nghĩ này, các game thủ Việt thường xuyên sẽ luôn tự đặt bản thân trong áp lực phải online vào đúng khung giờ này, không được để lỡ phó bản, sự kiện này. Thậm chí, thực tế còn có nhiều người đặt cả chuông báo thức, lên cả kế hoạch để cày game sao cho hiệu quả nhất. Đấy không phải áp lực thì là gì.
Áp lực phải ganh đua với bạn bè, người chơi khác trong game
Trong các tựa game cày cuốc, việc làm sao để gia tăng sức mạnh, lên level cho nhân vật để ít nhất cũng phải ở mức không thua kém bạn bè dường như đã trở thành mục tiêu, thành sự ám ảnh đối với đại đa số người chơi.
Ai cũng thích phải hơn bạn hơn bè
Đó cũng là lý do khiến cho không ít người sẵn sàng đập tiền, nạp thẻ vào game để có thể thỏa mãn được mục tiêu ngắn hạn với nhân vật ảo của mình. Thậm chí, không ít người còn bị áp lực phải chứng tỏ sức mạnh của bản thân, siêu việt hơn người khác qua đó, trực tiếp tiêu tốn cả tiền tỷ vào các tựa game cày cuốc ấy.
Và cái kết thường thấy của những chuỗi ngày áp lực
Đa phần, sau khi trải qua những chuỗi ngày như vậy, niềm vui của các game thủ cũng sẽ giảm dần, đam mê chẳng còn được nhiệt huyết như xưa. Đó cũng là lý do phổ biến đưa đẩy game thủ tới con đường nghỉ game, hoặc trường hợp tệ hơn là tiếp tục sa đà nhưng sẽ dễ sinh ra những nhận thức tiêu cực. Nên nhớ, đa số các điều ở trên đều là áp lực do chính bản thân chúng ta tự tạo ra, và nếu coi game như một công cụ giải trí vui vẻ, hãy cứ thoải mái và tận hưởng nó nhé.