Game để vui vẻ nhưng chắc chắn rằng, không phải lúc nào nó cũng mang lại niềm vui cũng như sự thư giãn dành cho người chơi. Nhưng nên nhớ rằng các tựa game hoàn toàn không có tội, và việc kiểm soát cảm xúc phụ thuộc vào từng cá nhân. Nếu muốn tìm kiếm sự thoải mái và vui vẻ với các trò chơi điện tử, đừng bao giờ trở thành một game thủ toxic và hãy tránh xa những dấu hiệu dưới đây nhé.
Chửi thề liên tục trong game
Tất nhiên, đây là một phần không thể thiếu với một bộ phận game thủ, thậm chí còn trở thành một thói quen thường thấy. Các trò chơi điện tử luôn mang tới những cảm xúc bất chợt, có thể là vui sướng tột độ cũng như bùng nổ trong lúc tức giận. Và khi bạn cáu tới mức mất dần kiểm soát, việc những câu chửi thề xuất hiện là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Chửi thề khi chơi game không xấu, nhưng với tần suất vừa phải thôi
Việc chửi thề khi chơi game có thể không xấu, nhưng nếu tần suất của nó diễn ra liên tục thì chắc chắn không phải là một điều hay ho gì. Hãy cứ thử tưởng tượng cảnh bạn chung đội với một game thủ toxic, ngồi chửi rủa trong suốt cả trận đấu. Đau đầu và khó chịu chắc chắn là cảm giác mà ai cũng sẽ nhận thấy. Và tình trạng này ở Việt Nam thì chắc chắn không thiếu, khi mà chỉ cần lướt qua vài trận đấu LMHT, bạn có thể thấy khá nhiều những màn trash talk mà ở đó các thế hệ gia phả của người chơi đều được đưa vào trong câu chửi.
Liên tục than vãn
Bên cạnh chửi thề, lắng nghe những lời than vãn cũng là điều mà khá nhiều game thủ cảm thấy mệt mỏi. Phàn nàn về mọi thứ, từ đồng đội, đối thủ cho tới nhà phát hành - đó đã trở thành thói quen của nhiều game thủ.
Liên tục rên rỉ không phải là cách hay để chơi game cùng người khác
Kiểu rên rỉ liên tục này tuy không xúc phạm ai nhưng chắc chắn là cách nhanh nhất để phá hủy cảm xúc chơi game của người khác. Thất bại hay rơi vào tình huống khó khăn là những điều khó thể tránh khỏi trong game. Chẳng có ai là vua trò chơi để luôn là người chiến thắng cả. Thế nên khi thua thì hãy chấp nhận, đừng than vãn và mếu máo cũng như tỏ ra mình hoàn toàn không có trách nhiệm trong thất bại chung.
Không ăn được thì đạp đổ
Khái niệm này có vẻ mới, nhưng chỉ cần đề cập tới một hành động thôi thì có lẽ tất cả chúng ta đều sẽ cảm thấy quen thuộc. Phá game - đó chính là cụm từ phản ánh chính xác nhất cụm từ không ăn được thì đạp đổ đấy.
Ai cũng cảm thấy khó chịu khi gặp phải những trường hợp phá game. Điều này có thể dễ thấy nhất trong các trận đấu LMHT. Không được chọn vị trí sở trường, phá game. Đồng đội feed, phá game. Rừng không lên gank hoặc bị ăn hành, cũng phá game nốt. Đôi khi, chỉ một bất đồng nhỏ cũng có thể dẫn tới một cú "phá game" đầy khó chịu.
Cáu bẳn tới mức phá game là điều không bao giờ nên làm với một game thủ
Và phải nói rằng với những tựa game online, bạn không chỉ chơi một mình thế nên hành vi phá game ấy chắc chắn ảnh hưởng tới khá đông người chơi khác. Đồng đội của bạn đương nhiên là những người chịu thiệt, trong khi đối thủ chắc hẳn cũng chẳng cảm thấy quá hứng thú với game đấu nữa.
Đó là chưa kể, đa phần những trường hợp phá game dường như chỉ để thỏa mãn cái tôi của bản thân, đổ tội cho đồng đội hoặc các yếu tố khách quan cũng như phủ nhận trách nhiệm của bản thân. Là một game thủ chân chính, đừng bao giờ phá game mà hãy cùng đồng đội trải nghiệm mọi thứ, cả chiến thắng lẫn thất bại nhé.