Những lý do khiến cho nhiều tựa game gắn mác siêu phẩm "chết yểu" ở thị trường Việt

Không thiếu những tựa game được gắn mác siêu phẩm nhưng rồi cũng "chết yểu" đầy đáng tiếc.

Chắc chắn, với bất kỳ tựa game online nào, một trong những mục tiêu tiên quyết của nhà phát hành và nhà sản xuất chính là có thể kéo dài "tuổi đời", trụ được lâu nhất trong thị trường. Điều này cũng dễ hiểu thôi, khi ngay cả những tựa game thuộc dạng lão làng, tượng đài rồi cũng tới lúc phải đóng cửa do không còn hợp với thị hiếu, duy trì được sức hút như xưa. Nhưng ít ra, việc được các game thủ nhớ tên đã là cả một thành công rồi. Trong lịch sử cũng từng có không ít những thương hiệu game đình đám, trước khi ra mắt được đóng mác siêu phẩm, bom tấn nhưng rồi cũng "chết yểu" một cách rất nhanh chóng. Tất nhiên, mọi thứ đều có nguyên do của nó.

Game không hay như được giới thiệu

Đây có thể coi là lý do chính khiến cho nhiều tựa game bị quay lưng ở thị trường Việt Nam. Tất nhiên, trước khi ra mắt, chẳng NPH hay NSX nào lại kiệm lời khen khi nói về đứa con tinh thần của mình. Những mỹ từ đẹp nhất, chất lượng nhất chính là thứ sẽ được dùng để mô tả tựa game ấy. Thậm chí, từ đoạn trailer cho tới teaser ra mắt, tất cả đều được đầu tư kỳ công khiến cho không ít người cảm thấy háo hức.

Những lý do khiến cho nhiều tựa game gắn mác siêu phẩm chết yểu ở thị trường Việt - Ảnh 1.

Nhưng rồi, tới khi game chính thức ra mắt thì mọi thứ lại thay đổi 180 độ. Đã từng có không ít những trường hợp như vậy, quảng cáo thì màu mè, ấn tượng nhưng chất lượng lại chẳng đi tới đâu. Gameplay thì cũ kỹ, đồ họa dở tệ và chắc chắn còn xa mới đạt tới cái mác siêu phẩm.

Các tựa game thường quá giống nhau

Những năm gần đây, làng game Việt chứng kiến sự ra đời của không ít những game mới. Tuy nhiên, đa phần trong số chúng đều thuộc mẫu "mỳ ăn liền" với phong cách quen thuộc là MMORPG nhập vai với bối cảnh tiên hiệp hoặc kiếm hiệp. Hình mẫu này được coi là luôn đảm bảo cho sự thành công tại thị trường Việt Nam, khi nó đã ăn sâu vào văn hóa của các game thủ.

Những lý do khiến cho nhiều tựa game gắn mác siêu phẩm chết yểu ở thị trường Việt - Ảnh 2.

Thế nhưng, cũng chính vì mang phong cách mì ăn liền, thiếu đi sự đầu tư về chất lượng và đặc biệt là chiều sâu, sự đa dạng nội dung, các tựa game này cũng thuộc diện sớm nở tối tàn. Có thể ban đầu còn mang tới một số mới mẻ cho game thủ đấy, nhưng nhìn chung, tuổi thọ của chúng cũng thường chỉ khoảng trên dưới một năm rồi bắt đầu chuyển sang hiện tượng sống lay lắt.

Từ phía cả NPH và game thủ

Sự khắt khe từ phía các game thủ Việt cũng là một trong những nguyên nhân thường thấy. Không dễ để có thể tìm được chỗ đứng vững chắc trong thị trường khi càng ngày, kỳ vọng của các game thủ cũng tỷ lệ thuận với nhu cầu trải nghiệm của họ. Game phải hay, có auto, được đầu tư kỹ lưỡng, cốt truyện gay cấn hấp dẫn, tính năng đặc sắc nữa.

Những lý do khiến cho nhiều tựa game gắn mác siêu phẩm chết yểu ở thị trường Việt - Ảnh 3.

Còn ở phía ngược lại, đa số các NPH đều chú trọng tới yếu tố lợi nhuận, doanh thu và đó cũng là lý do mà những tựa game Pay to Win lại đang xuất hiện nhiều như vậy. Chưa kể, chính sự thiếu đầu tư, chăm sóc cho sản phẩm của mình cũng rất dễ dẫn tới hiện tượng game thủ chán nản, từ bỏ rất sớm.