Những lý do khiến cho thị trường Việt Nam trở thành "miền đất chết" đối với nhiều tựa game thẻ bài nổi tiếng

Từ Hearthstone cho tới Legend of Runeterra, không nhiều tựa game thẻ bài thật sự tạo ra được hiệu ứng lớn với các game thủ Việt.

Hearthstone - một siêu phẩm của Blizzard đã tròn 8 tuổi vào đầu tháng 3 vừa qua - một cột mốc đáng ngưỡng mộ nếu như chúng ta biết rằng, Hearthstone vẫn đang duy trì được lượng người chơi đông đảo trên toàn thế giới. Tương tự như vậy, Legend of Runeterra, hay còn được các game thủ Việt biết tới với một tên gọi khác là Huyền Thoại Runeterra cũng đã tạo được tiếng vang khá lớn ngay từ khi ra mắt. Cách đây không lâu, dự án game thẻ bài Artifact của Valve cũng từng thu hút không ít sự chú ý. Nhưng có một điểm chung giữa các tựa game này, đó là ở thị trường Việt Nam, tất cả các tựa game thẻ bài đều chẳng gặt hái được quá nhiều thành công, nếu như không muốn nói là có một cộng đồng người chơi rất hạn hẹp. Vì sao vậy?

Những lý do khiến cho thị trường Việt Nam trở thành miền đất chết đối với nhiều tựa game thẻ bài nổi tiếng - Ảnh 1.

Sự nhàm chán - điểm yếu cố hữu của các tựa game thẻ bài

Chắc chắn, một trong những lý do lớn nhất được đúc kết từ biết bao thế hệ game thủ Việt, đó chính là các tựa game này thường khó lòng duy trì được sự hấp dẫn lâu dài của nó. Về cơ bản, gameplay sẽ vận hành theo hướng người chơi phải tự xây dựng bộ bài của riêng mình để có thể giao lưu, thi đấu với những đối thủ khác trên mạng. Và dù có gặp muôn hình vạn trạng những địch thủ, tình huống khác nhau đi chăng nữa, có lẽ nhiều người sẽ vẫn cảm thấy nhàm chán với việc chỉ chơi liên tục, xoay quanh từ 1-2 bộ bài, chiến thuật.

Những lý do khiến cho thị trường Việt Nam trở thành miền đất chết đối với nhiều tựa game thẻ bài nổi tiếng - Ảnh 2.

Mặc dù các tựa game này cũng có vô số chế độ khác nhau, nhưng chừng đó là chưa đủ để làm giảm bớt sự "nhàm" của nó, khi mà mỗi phiên bản update lớn theo từng mùa luôn cách nhau khá xa, và đến một mức nhất định nào đấy, khá nhiều game thủ sẽ cảm thấy mất động lực với các tựa game thẻ bài. Đặc biệt, game thủ Việt còn nổi tiếng bởi sự chóng chán của mình nữa.

Cơ chế chơi phức tạp, không dễ để thể hiện sức mạnh tuyệt đối

Tất cả các tựa game thẻ bài đều có cơ chế chơi cực kỳ phức tạp, hoặc ít nhất để nâng cao kỹ năng của mình thì bạn phải có một vốn hiểu biết sâu rộng, chẳng những về chiến thuật của bản thân mà còn phải nhận biết luôn cách chơi của đối thủ. Chơi nhiều, nhớ nhiều tới mức khắc cốt ghi tâm và từ đó đề ra những phương án counter hợp lý - đó mới chính là một người chơi game thẻ bài pro.

Những lý do khiến cho thị trường Việt Nam trở thành miền đất chết đối với nhiều tựa game thẻ bài nổi tiếng - Ảnh 3.

Điều này khiến cho khá nhiều game thủ Việt cảm thấy nản ngay từ những thời điểm đầu tiên vì rõ ràng, các tựa game thẻ bài khó tiếp cận hơn rất nhiều so với những dòng game như RPG hay MMORPG "ăn liền" đang thịnh hành. Thêm nữa, việc nạp tiền, Pay to Win - một thói quen thường thấy của người chơi Việt Nam khi bế tắc chưa chắc đã hữu dụng. Vì sao ư, 100% các tựa game thẻ bài ít nhiều đều có sự phụ thuộc lớn vào nhân phẩm. Bộ bài của bạn mạnh, nhưng không may mắn như Yugi để lúc nào cũng bốc được lá bài quyết định, bạn vẫn sẽ thua như thường trước một đối thủ yếu hơn mình. Thế nên, trong các tựa game thẻ bài, việc thể hiện sức mạnh tuyệt đối, bách chiến bách thắng là điều gần như xa xỉ, và nó đương nhiên không hợp với thói quen của game thủ Việt rồi.

Khó lòng thỏa mãn được cái tôi cá nhân

Những lý do khiến cho thị trường Việt Nam trở thành miền đất chết đối với nhiều tựa game thẻ bài nổi tiếng - Ảnh 4.

Game thủ Việt vẫn thường có câu "chấp cả server" để nói về độ mạnh mẽ của một nhân vật game nào đó. Nhưng trong Hearthstone, Legend of Runeterra, khái niệm này gần như không tồn tại. Bạn có thể top 1 server về rank, nhưng sẽ chẳng xảy ra viễn cảnh bạn chấp được cả server. Trò chơi này luôn duy trì theo cơ chế 1vs1, và như vậy với game thủ Việt là chưa đủ, khi mà họ gần như chẳng mấy khi có thể xưng bá giang hồ dù cho có đổ cả núi tiền vào nó.