Có những thứ phi logic nhưng lại tồn tại quá lâu trong lịch sử ngành game, đến nỗi chẳng ai buồn... thắc mắc. Sau đây là những điều vô lý nhất mà bạn thường xuyên phải gặp khi chơi game.
Quan sát được toàn bộ xung quanh
Điều này cũng có tuổi đời lâu như chính nền công nghiệp game vậy. Hầu như trong tất cả các tựa game, không theo kiểu này thì kiểu khác bạn luôn quan sát được mọi thứ xung quanh trong khi nhân vật chính thì nấp trong xó nào đó, và điều này giúp bạn hành động thật dễ dàng.
Trong một tựa game hành động lén lút hoặc ngay như trò đang rất hot hiện nay là PUBG, khi chơi ở góc nhìn thứ 3, bạn có thể điều khiển nhân vật bí mật nấp sau bức tường. Và "đáng ra" tầm nhìn lúc này phải bằng 0. Thế nhưng vô cùng ảo diệu, bạn có thể quan sát tất cả động thái của kẻ địch ở phía bên kia, chỉ cần chúng ló đầu ra là bạn đã sẵn sàng xả đạn.
Chế độ góc nhìn thứ 3 của PUBG, khi logic chỉ là trò đùa vui :D
Nhảy 2 lần trên không (Double Jump)
Rất nhiều tựa game cho phép nhân vật thực hiện 1 cú nhảy đúp trên không, từ đó tới được những vị trí rất cao trên bản đồ. Trong thực tế, nhảy là thao tác lợi dụng phản lực để đưa cơ thể lên không trung, và một nghiên cứu đã xác nhận rằng con người ta thật sự có thể thực hiện nhảy nhiều lần trên không, nhưng là trên hành tinh khác với khí quyển dày đặc chứ không phải Trái Đất.
Ngoài Devil May Cry bận tâm giải thích cho người chơi kĩ năng double jump khả thi là nhờ có vòng phép xuất hiện dưới chân nhân vật để làm điểm tựa, hàng loạt tựa game hành động vẫn nghiễm nhiên áp dụng cơ chế này, từ chiến thần Kratos béo tốt tới các chàng Reploid nặng cả tấn trong series Mega Man, tất cả đều có thể thực hiện khinh công như chưởng Tàu chỉ với 2 tiếng "hự hự" trong mỗi lần nhảy.
Trúng đạn vào chỗ hiểm vẫn ung dung hồi máu
Trông máu ít thế này thôi, tý nữa lại đầy ngay ý mà :v
Thậm chí có những pha headshot (bị bắn vào đầu) nhưng vì súng đối thủ hơi... yếu hoặc khoảng cách xa nên bạn vẫn còn một vài HP đủ để sống sót.
Đáng lẽ không chết cũng phải dặt dẹo, nhưng không, chỉ cần vài bình máu trong người bạn lại khỏe re tiếp tục đấu súng với đối thủ. Đến mức này thì may ra có phim Bollywood là đủ trình so độ logic mà thôi.
Đao kiếm cũng như chổi cùn
Đặc biệt đúng trong các tựa game nhập vai Nhật Bản, hãy lấy ví dụ như Final Fantasy VII. Những ai từng chơi qua đã biết Cloud sở hữu một thanh kiếm khổng lồ mang tên Buster Sword, với kích thước như vậy chỉ cần một nhát chém trúng đích thôi thì bất cứ kẻ thù nào cũng dễ dàng bị chia thành 2 phần không đều nhau.
Trông kiếm to vậy thôi, chém vào thì cũng chỉ man mát...
Ấy vậy mà thật kì lạ là tất cả những nạn nhân không may mắn từng nếm phải lưỡi kiếm này đều còn đầy đủ chân tay, thậm chí còn chẳng hề xây xước. Kỉ lục hiện tại được nắm giữ bởi Sephiroth khi anh này đã "ăn" 15 nhát Omnislash mà vẫn toàn thây, thậm chí đủ sức đọc nốt bài diễn văn của mình trước khi biến mất.
Theo logic của các nhà làm game JRPG, có vẻ như đẹp trai xinh gái thì không thể có một cái chết thê thảm như cụt chân cụt tay được, chưa kể sẽ có rất nhiều fan cảm thấy tức giận khi nhân vật ưa thích của mình bị thái hạt lựu.
Nhân vật nam giáp dày thì càng khỏe nhưng nữ thì ngược lại, càng mỏng thì càng là siêu nhân
Với các tựa game MMO, chân lý là giáp càng xịn thì càng thiếu vải (chỉ áp dụng cho các nhân vật nữ). Mặc dù bộ giáp chỉ lưa thưa vài đường mỏng dính, nhưng chắc chắn nhân vật vật của bạn được cộng thêm hàng tá chỉ số thủ, khiến đối phương đánh vào như gãi ngứa.
Nhân vật nam thì ngược lại, càng đồ sộ thì mới... đủ độ trâu.|
Giáp thế này thì có đỡ được sát thương không anh em?
Nhân vật nữ thì phải giáp thế này mới khỏe :)
Vác hàng trăm cân đồ đạc
Ý tưởng rất phổ biến trong các tựa game RPG, giới hạn việc một nhân vật có thể mang theo mình tối đa bao nhiêu đồ đạc. Một chiến binh thông thường dù có khỏe tới đâu cũng chỉ có thể mang theo 1 hoặc 2 vũ khí, dụng cụ nhất định cho một chuyến phiêu lưu. Trong game cũng vậy, tuy nhiên cái "giới hạn" của các nhân vật trong game có lẽ phải gấp trăm lần người khỏe nhất hành tinh.
Lấy ví dụ như Skyrim - game sử dụng cân nặng để xác định một chiến binh có thể mang vác bao nhiêu đồ. Trong số 300 đơn vị ấy, nào là giáo mác, đao kiếm, nồi niêu xoong chảo và đủ thứ lặt vặt khác, Dovahkiin của chúng ta vẫn có thể gùi cả đống hỗn tạp đó trên lưng và chiến đấu với rồng, thật xứng danh lực sĩ. Nhưng dù sở hữu sức khỏe phi thường như vậy, chỉ cần một mảnh giấy khiến cho ba lô của chàng nhích qua con số 300 thôi thì bỗng dưng Dovahkiin lại phải lê lết như bị ăn tên vào đầu gối.
Trông rất gọn gàng nhưng nếu bật hành lý lên là cả một rừng item.
Đao kiếm đập tường thành, đập nhà cháy phừng phực
Hình ảnh vô cùng quen thuộc trong các tựa game chiến thuật nói chung và Đế Chế (Age of Empires) nói riêng. Với những người hâm mộ AoE, logic siêu tưởng về việc quân linh đánh tay mà cũng có thể làm cháy công trình đã trở thành một phần quen thuộc và không thể trộn lẫn của tựa game này.
Nghe qua có vẻ vô lý, tuy nhiên hình tượng các công trình bốc cháy khi bị đánh cũng có nguyên do của nó. Theo cách giải thích từ nhà sản xuất, ở thời trung cổ, sau mỗi trận chiến lớn, quân thắng trận thường thiêu rụi các công trình kiến trúc của kẻ địch. Chúng ta có thể thấy các minh chứng có thật trong lịch sử như: quân đội Hy Lạp thiêu cháy thành Troia sau khi thắng trận, Hạng Vũ thiêu cháy cung Tần Vương sau khi vào được Hàm Dương… Chính vì lẽ đó, việc các công trình bốc cháy trong game là một hình ảnh so sánh thú vị nhằm miêu tả sự tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh.
Cầm chùy đập nhà cháy rừng rực.
Bạn (vâng chính bạn) là đấng cứu thế
Thường mở đầu trong các cốt truyện, nhân vật chính (do bạn điều khiển) là cứu tinh của nhân loại, được cử xuống để thực hiện xứ mệnh. Tuy nhiên con đường thường không bằng phẳng, bạn đầu sẽ xuất hiện trong vai nhân vật bị mất trí nhớ, không có chút võ công, phải đi làm quen giao tiếp với từng người nhưng bạn gánh trên vai 1 trọng trách, chỉ mình bạn mới làm được: trả thù cho môn phái, cứu rỗi cả thế giới... Bạn nghe quen không? Chắc chắn là đã gặp vô số lần rồi!
Vẫn còn rất nhiều điều phi lý khác nữa và chúng vẫn đang hiện hữu hàng ngày trong thế giới trò chơi điện tử, thể hiện rằng chặng đường đến với những trò chơi thực tế ảo mô phỏng y như thật vẫn còn xa lắm. Tuy nhiên thực quá chưa chắc đã phải là hay, vì vậy hãy cứ tiếp tục tận hưởng cái sự "ảo" của video game bởi xét cho cùng thì chúng ta tìm đến nó vốn là để thực hiện những điều vô lý đời thật không cho phép cơ mà.