Làm game cũng như một canh bạc, khi bạn gần như chẳng thể biết trước được liệu tựa game của mình có trở nên thành công hay không. Ngay cả những cái tên đình đám, nổi tiếng như Ubisoft, Valve cũng đã từng chẳng ít lần phải nhận trái đắng với những thất bại nhớ đời. Thế nhưng, ít ra thì sau các thất bại, các studio cũng sẽ có cho mình những bài học đáng giá. Tuy vậy, đôi khi, có những tựa game còn flop, thất bại nặng nề tới mức khiến cho các NPH phải phá sản như các cái tên dưới đây.
Too Human (Silicon Knight Studio)
Thất bại của Too Human có lẽ là một trong những điều đáng tiếc nhất. Tiêu tốn một số tiền khủng khiếp, mất nhiều năm để hoàn thành thế nhưng chẳng ai ngờ được rằng, doanh số bán hàng của Too Human lại thấp một cách kinh khủng.
Đáng nói hơn khi sau thất bại, Silicon Knights lại kiện nhà phát hành là Epic Games ra tòa với cáo buộc rằng nền tảng này đã khấu trừ các khoản tiền cần thiết trong quá trình sản xuất, dẫn đến sản phẩm cuối cùng không mấy thành công. Nhưng ai dè, Epic Games lại kiện ngược. Cuộc điều tra sau đó kết thúc với phần thắng của Epic Games khi họ chẳng những được phán vô tội mà bản thân Silicon Knights Studio còn đánh cắp một số mã nguồn từ các trò chơi của Epics. Too Human bị thu hồi và tiêu hủy mọi bản sao ngay sau đó còn Silicon Knights cũng đóng cửa.
Haze (Free Radical)
Trước khi phát hành vài tháng, Haze được NPH là Ubisoft thổi phồng rất nhiều, thậm chí còn cho rằng nó sẽ đánh bật Halo - tựa game bắn súng kinh điển khỏi mọi bảng xếp hạng game. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến cho Free Radical - studio game sản xuất siêu phẩm này cảm thấy áp lực trước liên tục những tính năng mới mà NPH Ubisoft yêu cầu.
Trò chơi ngay lập tức chứng kiến một loạt những sự delay và chiến dịch PR kỳ lạ và về cơ bản, cốt truyện của game bị phá hủy một cách toàn diện. Haze ra mắt với sự yếu kém trong mọi lĩnh vực, doanh thu thấp, phản ứng tiêu cực thì nhiều tới mức trò chơi trở thành nỗi thất vọng thực sự. Free Radical cũng "bay màu", giải thể ngay sau đó.
APB (Realtime Worlds)
Về cơ bản, AFB là một tựa game mang hơi hướng MMO theo phong cách GTA tương đối tham vọng. Trò chơi đã mất tới 5 năm sản xuất và theo nhiều báo cáo, tiêu tốn hơn 100 triệu đô la để thực hiện. Nói cách khác, đây là một canh bạc từ phía nhà sản xuất Realtime Worlds.
Và canh bạc này đã khiến studio mất trắng. Sau một loạt những sự chậm trễ, delay ra mắt, APB được phát hành với những đánh giá hết sức tầm thường. Đáng nói hơn, Realtime Worlds còn bị lộ ra rằng đã yêu cầu các nhà phê bình đợi một tuần sau khi game ra mắt thì mới công bố các ý kiến, review của họ.
100 triệu đô la phí sản xuất, và chỉ 6 tuần sau khi ra mắt, Realtime Worlds đã nộp đơn phá sản, cho thôi việc hầu hết nhân viên của mình. Ba tháng sau, toàn bộ các máy chủ của trò chơi bị đóng cửa và ngừng hỗ trợ người chơi.