5G là mạng di động thế hệ mới nhất, thay thế công nghệ 4G hiện tại bằng việc cải tiến tốc độ, vùng phủ sóng và mức độ
. Khi số lượng thiết bị kết nối Internet ngày càng tăng, đòi hỏi tốc độ cao thì 4G sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu. Việc mạng 5G ra đời sẽ giải quyết các bài toán này, đem đến tốc độ truy cập cao, giảm trễ, hỗ trợ nhiều thiết bị hơn.
5G hoạt động khác với 4G
Mạng 5G hướng tới kết nối cho các thiết bị thông minh, IoT.
Khác biệt cơ bản là 5G sử dụng tần số 30-300 GHz, trong khi đó 4G là dưới 6 GHz. Tần số cao giúp dữ liệu truyền đi với dung lượng lớn hơn, hỗ trợ các thiết bị đòi hỏi băng thông rộng và có tính định hướng cao, nên 5G có thể sử dụng ngay bên cạnh các tín hiệu không dây khác mà không gây nhiễu.
Một điểm khác nữa là 5G có thể "hiểu" được loại dữ liệu nào mà thiết bị yêu cầu, qua đó điều chỉnh chế độ năng lượng. Chẳng hạn, khi lướt web, thiết bị 5G sẽ hoạt động với chế độ năng lượng thấp, nhưng sẽ chuyển sang mức cao hơn khi phát video độ phân giải cao.
5G nhanh gấp 20 lần 4G
Tốc độ tối đa lý tưởng của 5G nhanh hơn 20 lần so với 4G. Điều này có nghĩa khi người dùng mạng 4G "load" được nửa bộ phim thì người dùng mạng 5G đã tải xong 10 bộ phim.
Mạng 5G load xong 10 bộ phim thì 4G mới xong một nửa bộ, ảnh minh họa.
Tốc độ đỉnh tối thiểu khi tải xuống với mạng 5G đạt 20 Gigabit mỗi giây, trong khi 4G là 1 Gigabit mỗi giây. Tuy nhiên, người dùng thông thường sẽ khó được trải nghiệm tốc độ này vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới băng thông. Khách hàng sẽ chủ yếu quan tâm tới tốc độ thực tế hay băng thông trung bình.
Trên mạng 5G thử nghiệm, 5G đạt tốc độ tải xuống tối thiểu 100 Megabit mỗi giây. Nhà mạng Verizon đạt 300 Megabit mỗi giây tới 1 Gigabit mỗi giây.
Nhiều yếu tố cũng ảnh hưởng tới băng thông 4G và tốc độ trung bình thường dưới 10 Megabit mỗi giây. Như vậy, mạng 5G sẽ nhanh gấp 10 lần so với 4G trong thực tế.
Những ưu việt của 5G so với 4G
5G vẫn cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản, gọi điện thoại, duyệt web, phát video như những gì đã làm với 4G. Tuy nhiên, tốc độ nhanh giúp load web hay xem phim mà không cần chờ đợi, chơi game không bị lag, sử dụng các dịch vụ Skype, FaceTime với chất lượng tốt hơn.
5G nhanh đến mức việc truy cập Internet với các dịch vụ hiện nay trở nên tức thì. Thậm chí mạng không dây thế hệ mới có thể thay thế cáp quang trong gia đình với chất lượng được đảm bảo. Những thiết bị "ngốn" nhiều băng thông như điện thoại thông minh, camera giám sát... có thể hoạt động mượt mà cùng lúc với mạng 5G.
Chơi game trên 5G sẽ cực kỳ mượt mà.
4G dần bộc lộ nhược điểm về băng thông hạn chế khi số lượng thiết bị di động ngày càng tăng. 5G không chỉ giải quyết vấn đề này mà còn mở đường cho việc đưa Internet đến đèn giao thông thông minh, cảm biến không dây, thiết bị đeo hay giao tiếp giữa các phương tiện giao thông thông minh.
Khi nào sẽ được dùng 5G
Việc ứng dụng 5G phụ thuộc vào chiến lược của mỗi quốc gia, từng nhà mạng. Nhiều đơn vị tham vọng phát hành mạng di động thế hệ mới ngay trong 2019 hoặc 2020. Hiện nay, một số nhà mạng Hàn Quốc và Mỹ đã triển khai 5G trên phạm vi hạn chế. Ngày 10/5, Viettel đã thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến thương mại trong 2020.
Dĩ nhiên để sử dụng, người dùng cần có thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G. Thị trường đã có một số điện thoại có kết nối 5G của Samsung, Xiaomi, LG, Huawei...