“Bạn đã bao giờ cảm thấy xấu hổ vì chơi game chưa? Nếu có thì lí do gì hay tựa game nào lại khiến cho bạn cảm thấy như vậy?” Đây thực sự là những câu hỏi tương đối hóc búa và khó có thể đưa ra được câu trả lời cụ thể, bởi ai cũng có bí mật của riêng mình. Nhiều game thủ chia sẻ, họ cảm thấy ‘quê’ khi thừa nhận rằng mình chơi những tựa game đơn giản, không cầu kỳ như Roblox, hay thậm chí là Minecraft, số khác lại cho rằng các trò chơi trên nền tảng di động (mobile games) mới thực sự là những thứ… đáng buồn cười.
Game di động dường như chính là mấu chốt của vấn đề này và đây còn được xem như là một trong những ví dụ điển hình, đặc trưng cho nền văn hóa mạng của con người trong những năm gần đây. Nhiều người không được cộng đồng công nhận là ‘game thủ’, chỉ vì họ thích chơi những tựa game di động đơn giản như Candy Crush hoặc Clash Royale. Thậm chí, nhiều bộ phận người chơi còn sẵn sàng ‘gạch tên’ người khác chỉ vì sở hữu những chiếc máy chơi game ‘con nít’ của Nintendo. Trong thế giới của những kẻ luôn có tư tưởng… sai lệch này, bất kể các bạn có cố gắng làm gì đi chăng nữa, các bạn cũng không được xem là “game thủ thực thụ”.
Có thể nói đây là những điều khiến cho Mọt tui cảm thấy vô cùng khó chịu và chắc chắn rằng cũng có rất nhiều bạn cũng nghĩ như tui. Nếu mọi người luôn đặt nặng những vấn đề như mình phải chơi những tựa game gì, sau đó cần phải thực hiện những điều gì để có thể trở thành ‘real gamer’ trong mắt người khác. Thì sớm muộn gì trò chơi điện tử cũng sẽ nhanh chóng trở thành những cuộc đua tranh hạng vô nghĩa. Đó cũng chính là lí do vì sao tư tưởng này mang lại rất nhiều yếu tố tiêu cực và độc hại, không chỉ cho những người thích chơi game, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển không ngừng nghỉ của ngành công nghiệp game.
Hãy thử cùng Mọt đặt ra một câu hỏi khác nhé. Đã bao nhiêu lần các bạn bắt gặp những nhận xét trái chiều, hay thậm chí là những câu chửi nặng nề trên các bài báo, tin vắn và những video nói về những một hoặc nhiều con game mà mình cực kỳ thích chưa? Lấy Fortnite làm ví dụ nhé. Theo Mọt thì đây là một trong những tựa game battle royale thành công nhất từ trước đến nay, không chỉ đơn giản về mặt gameplay, mà nó còn được xem là ‘người hòa giải’ tất cả những hiềm khích lâu năm giữa fan Xbox và fan Playstation, chấm dứt hoàn toàn Cuộc chiến Console (Console War).
Thế mà cho đến tận bây giờ, không ít kẻ vẫn cố chấp soi mói vào từng nội dung crossover, từng bản cập nhật mà nhà phát triển Epic Games đã và đang có kế hoạch sẽ mang đến cho thương hiệu game sinh tồn của mình. Không những thế, một số bộ phận tự vỗ ngực xưng danh ‘game thủ’ còn có những hành động, lời lẽ không hay đối với những người chỉ muốn yên phận và thưởng thức game.
Nếu như NSX đã quyết định rằng đó là những gì tốt nhất dành cho sản phẩm của họ, thì Mọt nghĩ chúng ta không có quyền gì để chửi bới, sỉ vả hay có những lời lẽ tiêu cực, công kích hướng đến họ và những người chơi khác cả. Đây cũng không phải là những lời than trách, chỉ trích những game thủ chân chính, thích tận hưởng sự căng thẳng của những tựa game đề cao tính cạnh tranh như CSGO, Dota 2, Rainbow Six Siege,… Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không được nêu lên những nhận xét cá nhân của mình trong trường hợp nếu như ta cảm thấy không hài lòng với hướng phát triển của NSX.
Nói chung, chơi game như thế nào thì đó là quyền của mỗi người. Không phải ai cũng đam mê với thể loại game cốt truyện, cũng như không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn, dành ra vài tiếng đồng hồ chỉ đi ‘cày’ tài nguyên trong những tựa game sinh tồn. Mỗi người có một sở thích khác nhau, có người thích trò này, người thì mê trò kia, có người muốn trải nghiệm game trên hệ máy này, người khác thì lại thích chơi game trên các thiết bị di động.
Suy cho cùng cho dù trò chơi điện tử có tồn tại ở bất kỳ hình thức hay hoạt động trên bất cứ nền tảng nào, thì nó cũng chỉ đơn giản là một loại hình giải trí. Và nếu được sử dụng để thỏa mãn nhu cầu ‘xả stress’ của con người sau những giờ học và làm việc căng thẳng, thì không ai có quyền cấm cản, chê bai và đánh giá chúng ta cả, có đúng không nào?
Khi ta không cảm thấy hứng thú với một trò chơi nào đó, hãy bước tiếp và tìm kiếm những gì mà ta thật sự thích. Bởi vì nếu cứ hướng tới những suy nghĩ và tư tưởng tiêu cực, chúng sẽ khiến cho tinh thần của chúng ta nhanh chóng trở nên kiệt quệ và đó là một điều vô cùng độc hại không chỉ cho bản thân của mình, mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Hãy để cho mọi người được tận hưởng những niềm vui của riêng họ và ta cứ tiếp tục theo đuổi với những gì mà bản thân mình đam mê, đó mới thực sự là ý nghĩa của trò chơi điện tử.