Thần tượng ảo: Xu hướng mới lạ xây dựng nên ngành công nghiệp có tiềm năng lên đến tỷ USD, trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho một bộ phận giới trẻ của Trung Quốc

Để tổ chức một sự kiện âm nhạc 2 tiếng, 200 nhân lực đã phải làm việc liên tục trong 6 tháng, mang lại những màn trình diễn "mãn nhãn" nhất cho khán giả.

Nghệ sĩ piano hàng đầu Trung Quốc, Lang Lang, cùng cô ca sĩ 15 tuổi, Luo Tianyi, đã cùng nhau biểu diễn tại sân khấu của Mercedes-Benz Thượng Hải hồi cuối tháng 2, phục vụ hàng ngàn người hâm mộ. Luo, cô gái với bím tóc màu ghi và đôi mắt màu xanh lá, là một ca sĩ có hơn 3 triệu người hâm mộ trên Weibo. Thêm vào đó, giá vé của buổi biểu diễn này lên tới 1.580 NDT (235 USD). Nhưng duy chỉ có một điều, đó là Luo không có thật. Cô là một idol ảo, đã cùng với Lang trình diễn một sự kiện âm nhạc đầu tiên ở Trung Quốc có sự kết hợp của một nghệ sĩ 3D và một nhạc sĩ người thật.

Luo là nghệ sĩ ảo nổi tiếng nhất Trung Quốc. Đây là một nhân vật có hình dạng được tạo nên từ công nghệ kỹ thuật số, có giọng nói cũng như tính cách riêng. Tại sự kiện âm nhạc, những màn trình diễn piano của Lang và chất giọng độc đáo của Luo trở nên ấn tượng nhờ hiệu ứng hình ảnh hấp dẫn. Bên dưới sân khấu, hàng ngàn người hâm mộ vẫy tay theo nhịp điệu và cùng hô to tên Luo, thậm chí một số người còn bật khóc.

Lang Lang chia sẻ với SCMP: "Tôi biết những idol ảo như thế này có sức hút mạnh đến thế nào và họ thực sự rất dễ thương. Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ bùng cháy khi âm nhạc của tôi kết hợp với cô ấy."

Thần tượng ảo: Xu hướng mới lạ xây dựng nên ngành công nghiệp có tiềm năng lên đến tỷ USD, trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho một bộ phận giới trẻ của Trung Quốc - Ảnh 1.

Nghệ sĩ piano Lang Lang và Luo Tianyi.

Để tổ chức một sự kiện âm nhạc cho một idol ảo như thế này cần nhiều công sức hơn nghệ sĩ thật. Một nhóm gồm khoảng 200 thành viên đến từ Trung Quốc và Nhật Bản phải làm việc trong 6 tháng để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn chỉ kéo dài 2 giờ, theo Shanghai Henian Information Technology. Công ty này đã mua bản quyền đối với nhân vật Luo từ đối tác Nhật Bản - Yamaha, hồi năm 2015.

Các màn trình diễn của Luo được chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng trước khi sự kiện diễn ra. Mỗi chuyển động và biểu cảm trên khuôn mặt cần được xây dựng bằng các kỹ thuật mô hình 3D phức tạp. Trong sự kiện âm nhạc, các tương tác thời gian thực của Luo với Lang cùng fan hâm mộ đều có sự hỗ trợ từ một diễn viên lồng tiếng và công nghệ ghi hình chuyển động đằng sau cánh gà.

Không chỉ là một idol ảo...

"Khi nói về ACG (anime, chuyện tranh và game), có thể nhiều người không hiểu hoặc xem đó chỉ là hoạt hình dành cho trẻ em", Yuki Cao cho hay. Cao hiện là CEO của Shanghai Henian, đang quản lý Luo cùng 5 idol ảo khác. Anh nói thêm: "Chúng tôi cố gắng thu hút nhiều người tham gia, để hiểu hơn về nền văn hoá trẻ trung, năng động và sáng tạo này, với mục đích để nó không còn là văn hoá kiểu số đông. Hơn nữa, thậm chí nó có thể trở thành một xu hướng."

Idol ảo thu hút được số lượng người hâm mộ lớn là giới trẻ Trung Quốc, điều này thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp mới nổi ở nước này. Hiện tại, số lượng idol ảo là khoảng 30-40 nhân vật. Xu hướng này bắt nguồn từ Nhật Bản, nơi "sản sinh" ra nhiều idol ảo cực kỳ nổi tiếng, đặc biệt là ngôi sao nhạc pop Hatsune Miku - ca sĩ 16 tuổi.

Tuổi của các idol này được quyết định bởi những người sáng tạo ra họ. Hơn nữa, việc họ mãi mãi ở độ tuổi đó chính là một lợi thế rất khác biệt trong một ngành công nghiệp vốn chỉ ưa chuộng những người trẻ tuổi và "ma mới". Miku có tới 1,7 triệu người hâm mộ trên Weibo, cô có thể hát bằng cả tiếng Trung và tiếng Nhật.

Thần tượng ảo: Xu hướng mới lạ xây dựng nên ngành công nghiệp có tiềm năng lên đến tỷ USD, trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho một bộ phận giới trẻ của Trung Quốc - Ảnh 2.

Một nữ diên viên mô phỏng chuyển động của idol ảo.

Hiện tượng này là một dẫn chứng cho thị trường tiềm năng dành cho các idol ảo, đặc biệt là số lượng fan hâm mộ của ACG ở Trung Quốc là rất lớn - khoảng 350 triệu người vào năm 2018. Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường iResearch, thị trường animation (hoạt hình) của Trung Quốc dự kiến sẽ chạm mốc giá trị 198 tỷ NDT (29,6 tỷ USD) vào năm nay.

Luo Tianyi được Yamaha và Thstars tạo ra vào năm 2012. Hình dạng cuối cùng của Luo được lựa chọn từ nhiều bức tranh của fan hâm mộ, còn giọng nói là của diễn viên Shan Xin. Giọng hát của Luo được kết hợp bằng phần mềm Yamaha Vocal. Điều này có nghĩa là các nhà soạn nhạc có thể trả tiền để truy cập vào cơ sở dữ liệu giọng nói của Luo và sáng tác nhạc. Từ đó, họ có được bản quyền nếu các bài hát đó được Luo trình diễn.

...mà còn là nhân vật truyền cảm hứng cho một bộ phận giới trẻ

Gao Yu, một sinh viên đại học đến từ tỉnh Tứ Xuyên, cho biết đây là lần thứ hai cô tham dự sự kiện sự kiện âm nhạc của Luo. Cô gái 20 tuổi cho hay: "Khi Luo kết thúc bài hát Xinliyougui (tạm dịch: lương tâm tội lỗi), tôi liền hét lên 'Tiany, người tôi yêu, tôi yêu bạn!". Mọi người xung quanh tôi cũng cười và hô to 'Tôi yêu bạn, người tôi yêu!"

Kit Cheung Jie, một học sinh trung học 17 tuổi ở Hồng Kông, đã chi hơn 20 nghìn HKD (2.548 USD) trong 7 năm vừa qua để mua những món đồ như đồ chơi, tranh vẽ và nhiều sản phẩm kỹ thuật số khác được Henian cấp phép. Để chi trả cho những món đồ này, cô bé đã tiết kiệm tiền từ bữa ăn sáng và làm một công việc part-time trong ở nhà hàng. Cheung chia sẻ: "Luo Tianyi rất hoàn hảo. Cô ấy không phải là người thật nên cô ấy có thể trở thành bất kỳ điều gì mà bạn mong muốn. Việc này giống như một idol được điều chỉnh theo đúng ý bạn, chỉ thuộc về bạn."

Ngoài các công ty quản lý hoạt động hàng ngày của idol ảo, thì hoạ sĩ và nhà sản xuất cá nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp tính cách của idol này trở nên phong phú hơn. Yang Feiyiqi, một nhà sản xuất âm nhạc, đã viết nhạc cho Luo từ năm 2012. Bài hát nổi tiếng nhất mà anh viết cho Luo có 1 triệu lượt nghe trên nền tảng stream và chơi game, Bilibili.

Thần tượng ảo: Xu hướng mới lạ xây dựng nên ngành công nghiệp có tiềm năng lên đến tỷ USD, trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho một bộ phận giới trẻ của Trung Quốc - Ảnh 3.

Những fan hâm mộ trẻ tuổi của Luo.

Thậm chí, có nhiều nhà sản xuất còn viết nhạc cho Luo mà không cần đến thù lao, họ đăng tải các đoạn nhạc lên mạng và không tính phí. Trong đó có Yang, anh giải thích những bài nhạc đó "được tạo ra với tình yêu".

Dù số lượng idol ảo ở Trung Quốc khá đông đảo, nhưng Luo là nhân vật duy nhất thu về lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Nhân vật này từng là đại sứ thương hiệu cho Pizza Hut và video game của Nhật Bản - For Whom the Alchemist Exists, ngoài ra còn đóng quảng cáo cho hãng mỹ phẩm nội địa Pechoin, Nestlé hay KFC.

Chưa dừng ở đó, Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cũng đưa Luo trở thành đại sứ. Họ cho biết các idol hảo "hoàn toàn không gây hại" đối với giới trẻ bởi họ không bị cám dỗ bởi những tệ nạn như ma tuý, bê bối tình dục như nhiều nghệ sĩ thật.

Hiện tại, ngày càng có nhiều công ty đầu tư "lớn" để phát triển idol ảo. Kilakila, một nền tảng streaming, đã huy động được 120 triệu NDT vào tháng 10 năm ngoái để tạo ra idol ảo đầu tiên của Trung Quốc. Đã có hơn 10 công ty, bao gồm cả Weibo và Kilakila, ra mắt quỹ dành cho idol ảo đầu tiên của Trung Quốc vào đầu tháng 1, với 100 triệu NDT được "rải" đều để phát triển các dự án và tuyển dụng nhân tài sản xuất nội dung.

Dù ngành công nghiệp này của Trung Quốc chỉ có quy mô đạt 100 triệu NDT vào năm ngoái, nhưng lượng đầu tư đổ dồn vào đây ngày càng nhiều và có thể sẽ tăng lên 1,5 tỷ NDT vào năm 2023, theo Newsijie.cn.