Một vấn đề của rất nhiều game thủ Việt hiện nay chính là cách nhìn chưa thật sự đúng và đủ của các bậc phụ huynh cũng như xã hội nói chung về game. Trong mắt họ, chơi game giống như một thú vui vô bổ, mà thay vì ngồi dán mắt vào màn hình máy tính, con em họ nên tập trung học tập cũng như vui chơi thể thao, bóng đá, bơi lội, luôn luôn có ích hơn là ngồi kỳ cạch chơi game.
Đã là những bậc làm cha, làm mẹ tại Việt Nam, thì cứ 10 người lại đủ cả 10 đều muốn con em mình học giỏi, chăm chỉ, hoàn thành tốt bài tập trên lớp cũng như đạt được điểm số cao trong các kỳ thi. Và đối với họ, "kẻ thù" lớn nhất của tư tưởng "lấy cái chữ làm đầu" của họ không gì khác hơn chính là game, thứ trò giải trí đối với nhiều cậu bé đang trong độ tuổi đến trường nhưng lại làm sao nhãng việc học tập vì chúng quá cuốn hút và "dễ gây nghiện", nói theo cách của nhiều bậc phụ huynh.
Ở một chừng mực nhất định, những thứ được coi là “định kiến”, đáng buồn thay, lại xuất phát từ chính những tư duy chưa thỏa đáng, hay thậm chí là từ những câu chuyện các bậc phụ huynh truyền tai nhau về những tác hại của game. Ít ai để ý rằng, những tác hại hiển hiện đó lại xuất phát từ chính việc nơi lỏng quản lý con em mình.
Dĩ nhiên để được tiếp tục chơi game, bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức quan trọng về game, cũng như chơi game một cách điều độ chứ không thể nào cứ muốn là chơi được.
Hồi đi học lỡ được làm quen với game, riết rồi yêu game lúc nào chẳng biết. Nói vui thì có lẽ mình đủ dũng cảm để bỏ người yêu, bỏ rất nhiều thói quen khác chứ chắc chẳng bao giờ can đảm bỏ nổi game. Cuộc phiêu lưu với thế giới ảo của tôi chẳng khác gì các bạn đâu, cũng từ những game điện tử băng, rồi điện tử đĩa, rồi thời thế đổi thay, quán game với máy vi tính mọc lên khắp mọi nơi. Từ game offline cài sẵn trong ổ cứng cho đến game online, tất cả đã tạo ra một kẻ yêu game như tôi ngày hôm nay.
Tất nhiên tôi không mê muội vì game, hoặc ít nhất, tôi vẫn tỉnh táo phân biệt được giữa cơm áo gạo tiền của cuộc sống thực, với vợ con, gia đình, cha mẹ và những nỗi lo. Nó rất khác với lúc chìm vào thực tế ảo, nơi bạn có thể làm bất kỳ điều gì tùy thích, hóa thân vào người anh hùng nào cũng được.
Biết là vậy nhưng thực tế chỉ có cô vợ tôi mới hiểu điều đó. Ngày xưa chơi game thì bị cha mẹ mắng mỏ vì không chịu học hành, giờ chơi game thì bị lườm nguýt không chịu làm việc (?!) Cá biệt hôm trước, ngồi cafe với một cậu bạn, lôi điện thoại ra tranh thủ cày cuốc một chút thì hắn lên tiếng:
- Tao chẳng hiểu mày kiểu gì nữa, cứ hở ra là cắm đầu vào cái vô bổ đấy. Nó có gì hay ho à?
Tôi không khó chịu vì lời nói của hắn. Nếu đã khó chịu thì tôi đã phát khùng từ rất lâu mỗi lần có ai phàn nàn việc tôi chơi game rồi. Quen rồi mà, chẳng có gì làm lung lay được nữa. Lúc đó tôi mới thủng thẳng:
- Ừ hay chứ, tao thì tao thấy nó hay hơn mấy trò thuốc men độc hại, không như bia ôm karaoke biến tướng, cũng chẳng hại người như nhậu nhẹt triền miên rồi mắng vợ chửi con. Mày không thấy hay vì mày chưa bắt đầu thôi.
Hắn cứng họng. Tôi thấy rõ từng tia gân trên trán hắn tím bầm lại vì không tìm ra lời lẽ nào để phản pháo lại. Tôi bèn chữa cháy cho hắn đỡ ngượng:
- Thế dạo này sao rồi, công việc ổn cả chứ?
Kỳ lạ thật. Con người giống như một giống loài thích chạy theo những gì số đông luôn mặc định tư duy. Họ nghĩ game là xấu, nhưng những thứ mà tôi kể ra trên đây thì lại được coi là bình thường, thậm chí là cổ súy, coi đó là những điều một "thằng đàn ông" phải có để chứng tỏ bản lĩnh. Thay vì coi những thứ chất kích thích hại cơ thể, hại thận, gan kia là tệ nạn, họ coi game là thứ phải bị ruồng bỏ, tránh xa...