Có thể nói 2018 là một năm chia nửa buồn vui của Bluehole với bom tấn PUBG. Ra mắt thành công, được coi là một siêu phẩm và thậm chí còn lên đỉnh ngay từ tháng 3. Thế nhưng sau đó, với quá nhiều bất cập, PUBG, từ một bom tấn bỗng chốc trở thành tựa game rớt giá một cách thảm họa. Không gì phản ánh chính xác hơn những con số.
Hồi tháng 3, lượng CCU của PUBG còn duy trì ở mức trên 3 triệu lượt, nhưng tới tháng 10 và 11 thì tụt tới mức chỉ còn 6 chữ số, tức giảm đi tầm 3-4 lần. Dù có chút dấu hiệu khởi sắc ở giai đoạn cuối năm, trùng thời điểm với những cập nhật mới về map tuyết Vikendi, nhưng chừng đó có lẽ là chưa đủ để cứu vãn một tựa game đã từng mở đường cho trào lưu sinh tồn phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, dù có bị những đối thủ cạnh tranh như Fortnite, Call of Duty: Black Out bỏ xa tới đâu nữa trên thế giới thì riêng tại thị trường Việt Nam, PUBG vẫn là tựa game sinh tồn số một. Tuy không tới mức độc quyền nhưng cũng có thể coi là thống trị tại các trò chơi PC. Và đây là nguyên nhân.
Ra mắt sớm nhất và có giá cả phải chăng
Tới tận bây giờ, những tranh cãi về việc liệu Fortnite có sao chép cũng như học hỏi, bắt chước PUBG không vẫn còn là chủ đề nan giải. Thế nhưng, với việc PUBG ra mắt trước, game thủ Việt đã tiếp xúc với tựa game này đương nhiên là trước Fortnite.
$60 là cái giá quá chát ở thị trường Việt Nam
Và game thủ Việt Nam thường khá ngại sự xê dịch hay thay đổi, đặc biệt là khi mà Fortnite ra mắt ở thời điểm mà PUBG vẫn đang ở đỉnh cao. Khá ít người Việt quan tâm tới Epic Games cũng như Fortniet ở thời điểm đấy. Thế nên, dễ hiểu tại sao khi ở Việt Nam, PUBG vẫn giữ được lượng khách hàng trung thành và gắn bó rất lâu.
Câu chuyện của Call of Duty: Black Out lại khác hẳn. Ra mắt khi PUBG đang tụt dốc không phanh, lẽ ra CoD: Black Out sẽ là sự thay thế xứng đáng và hoàn hảo cho tựa game của Bluehole. Thế nhưng, mặc dù phải công nhận là nó mượt, cuốn và có phần hay hơn PUBG đấy, nhưng mức giá $60 là quá chát đối với đại bộ phận game thủ Việt Nam. Thế nên chơi PUBG thì vẫn ngon bổ rẻ hơn.
Cộng đồng lớn mạnh và có hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt
Đừng tưởng vấn đề ngôn ngữ không quan trọng. Việc PUBG có hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt là cả một lợi thế của tựa game này tại thị trường Việt Nam đấy. Không thể phủ nhận việc nhiều người vẫn quen lựa chọn tiếng Anh, thế nhưng nên nhớ rằng, nếu bạn là một người chơi mới, việc học hỏi kỹ năng và kinh nghiệm từ game bằng tiếng mẹ đẻ vẫn sẽ là sự lựa chọn ưu tiên hơn. Bài học về sự phát triển của LMHT và DOTA 2 ở thị trường Việt Nam cũng một phần do yếu tố ngôn ngữ nữa đấy. Nếu bạn là một newbie và không biết tiếng Anh, gần như sẽ rất khó để có thể bắt đầu chơi DOTA 2 mà thiếu đi sự hướng dẫn.
Có tiếng Việt là một lợi thế không nhỏ của PUBG
Cộng đồng cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Cộng đồng PUBG ở Việt Nam đã phát triển tuy thời gian chưa lâu nhưng lại cực kỳ lớn mạnh. Những fanpage, group trên Facebook mọc lên như nấm và có lượng lớn người tham gia. Trong khi soi sang Fortnite và Call of Duty: Black Out, có mấy ai biết cộng đồng của họ ở đâu tại Việt Nam. Mà nói về cộng đồng, theo bạn có bao nhiêu hàng net ở Việt Nam cài sẵn Fortnite và Call of Duty. Và không phải ngẫu nhiên từ khi PUBG ra mắt, vô số hàng net cỏ phải đóng cửa, hoặc chật vật tìm cách nâng cấp cấu hình máy để chơi tựa game này đâu nhé.
Giờ quá net nào chả phải có PUBG, nhưng còn lâu mới có Fortnite hay Call of Duty nhé
Cũng nhờ cộng đồng phát triển, thế nên các đội tuyển chuyên nghiệp, giải đấu cũng xuất hiện nhiều hơn. Và sau thành công của những Refund hay Divine, các nhà tài trợ dần dần chú ý tới PUBG. Các giải đấu diễn ra nhiều hơn, đều đặn với cơ cấu giải thưởng hấp dẫn. Các game thủ chuyên nghiệp có thu nhập ổn, điều kiện tập luyện tốt và gần như chỉ cần lo trau dồi kỹ năng của bản thân cũng như teamwork. Còn Fortnite và Call of Duty ư, ngoài tin Viruss đang cố gắng xây dựng cộng đồng Fortnite từ những bước sơ khai, còn đâu hai tựa game này gần như mất hút tại thị trường Việt Nam.