Warzone là chế độ chơi sinh tồn mới của Call of Duty: Modern Warfare được Activision phát hành miễn phí như một tựa game độc lập vào ngày 10/3, nay đã chính thức trở thành game sinh tồn hot nhất trên thế giới. Khởi đầu với con số 6 triệu người chơi trong 24 giờ đầu, 15 triệu sau 4 ngày, 30 triệu sau 10 ngày, 50 triệu sau 1 tháng, và giờ là hơn 60 triệu sau chưa đầy 2 tháng, Call of Duty: Warzone đang chứng minh sức hút và sự áp đảo tuyệt đối trong thể loại game sinh tồn, thậm chí ngang ngửa kỷ lục của hiện tượng Apex Legends hồi mới ra mắt.
Trong thời điểm thị trường game sinh tồn gần như đã bão hòa, những yếu tố nào đã giúp Call of Duty: Warzone chinh phục thành công mảnh đất Battle Royale? Phải chăng lần này Warzone sẽ tránh được vết xe đổ “lên nhanh xuống cũng chóng” của Apex Legends?
Thành công của Call of Duty: Warzone đến từ việc có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Warzone đã chọn thời điểm ra mắt không thể tuyệt vời hơn, lúc mà PUBG đã “hết thuốc chữa”, Apex Legends nhạt nhòa sau khi bị cộng đồng quay mặt và Fortnite thì đã qua thời điểm hoàng kim, liên tục suy giảm người chơi. Cộng đồng Battle Royale đang cần một làn gió mới hơn bao giờ hết. Chưa kể thời điểm tháng 3 là lúc dịch Covid đang bùng phát, cả thế giới ở nhà và là thời điểm ra mắt lý tưởng cho các tựa game mới giúp game thủ giải trí trong những lúc dư dả thời gian như thế này.
Địa lợi của Warzone đến từ thương hiệu tỷ đô Call of Duty vốn đã sừng sững cả chục năm trong hạng mục game bom tấn AAA, hơn nữa dòng CoD vốn có thế mạnh về chơi mạng đã cạnh tranh với Battlefield của EA rất gay gắt suốt nhiều năm nay. Lợi thế của Call of Duty: Warzone là quá rõ ràng khi đã có tên tuổi và thị trường riêng ngay từ khi chưa ra mắt. Thực tế chứng minh, chất lượng đồ họa sắc nét của Warzone vượt trội hơn tất cả các game Battle Royale có mặt hiện tại trên thị trường. Chất CoD vừa quen vừa lạ trong gameplay của Warzone tạo nên sự kết hợp độc đáo sáng tạo, mang lại cảm giác “đã tay” cao hơn hẳn so với lối chơi có phần ỳ ạch trong các tựa game sinh tồn khác. Đồng thời, hệ thống vũ khí COD hay khả năng hồi sinh bằng chính kỹ năng của mình sau khi chết là những điểm hấp dẫn chỉ có trong Warzone.
Bên cạnh đó, những động thái tích cực trong việc chống lại nạn hack/cheat cũng là một trong những ưu thế của Warzone. Hàng trăm nghìn tài khoản sử dụng công cụ cheat đã bị ban vĩnh viễn cũng như cơ chế chống hack táo bạo xếp gộp những kẻ gian lận vào chung một trận đấu đều là những nước đi nhận được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Cho dù vẫn chưa thể xử lý triệt để, nhưng có thể nói rằng, Warzone vẫn đang là một trong những tựa game bắn súng sinh tồn “trong sạch” nhất hiện tại.
Xét tới yếu tố nhân hòa, Warzone thậm chí còn chẳng cần PR rầm rộ, ngày ra mắt đúng với tính chất thông báo một bản phiên bản update của Call of Duty: Modern Warfare. Chỉ thế thôi nó cũng thu hút tới 30 triệu người chơi sau 10 ngày mở cửa, đủ để chứng minh sức mạnh cộng đồng sẵn có của bom tấn COD.
Có tránh được vết xe đổ của Apex Legends?
Warzone có cơ hội, nhưng sẽ phải đối mặt với những thách thức cực kỳ khó khăn cần giải quyết ở phía trước. Dù Activision tỏ ra rất quyết tâm trong việc chống gian lận, nhưng không khó để thấy vấn nạn hack/cheat vẫn ngày càng gia tăng trong game, gần đây Warzone thậm chí đã có chút bối rối khi hệ thống đã trừng phạt nhầm rất nhiều người chơi chân chính gây nên bức xúc không ít cho cộng đồng. Chúng ta đều biết một trong những nguyên nhân nặng ký gây nên tình trạng lao đao của PUBG hay Apex Legends cũng chính bởi nạn hack/cheat và lỗi game triền miên.
Một hạn chế nữa của Warzone là dù được phát hành miễn phí, game thủ nếu muốn mở khóa những khẩu súng hỏa lực mạnh như RAM-7, Grauss 5.56… sẽ phải mua trọn gói game với mức giá 59.99$. Bởi lẽ yêu cầu của RAM-7 là phải hoàn thành 25 lần chiến thắng ở các chế độ khác nhau (Warzone và Plunder chỉ được tính là 2). Ngoài ra nếu game thủ muốn sưu tầm những bản vẽ thiết kế súng đặc biệt (blueprint) thì hầu như đều phải hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ từ chế độ chơi cốt truyện, co-op đến những chế độ chơi mạng như Search and Destroy và Team Deathmath. Đó là còn chưa kể đến những món đồ hiếm mà game thủ chỉ có thể kiếm được khi đạt đủ cấp độ battle pass. Số tiền 60$ hay hệ thống thanh toán online, vẫn sẽ là một rào cản lớn với đa số game thủ trong khu vực đang phát triển trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Cuối cùng là từ triết lý kinh doanh của Call of Duty, một phiên bản mới vào cuối mỗi năm, cũng đồng nghĩa với tự tay đè đầu, thay thế tựa game cũ trong series của chính mình. Như vậy đối thủ mà Warzone cần lo ngại không phải là Fortnite hay một tựa game nào đó bên ngoài, mà lại tới từ chính cha đẻ của nó. Phiên bản Call of Duty kế tiếp đã được ấn định và nó mang đến nguy cơ một bản chơi mạng kiểu Battle Royale mới cũng sẽ đi kèm. Trừ khi Activision có tính toán riêng cho con đường phát triển của Warzone. Nếu không, việc Call of Duty: Warzone đang làm mưa làm gió có lẽ cũng chỉ là một hiện tượng nhất thời mà thôi.