Theo TechRadar, trong một bước đột phá tiềm năng đầy hứa hẹn, các nhà nghiên cứu từ Đại học Osaka và IMRA America đã công bố một kênh truyền dẫn quang không dây đơn kênh có thể đạt tốc độ lên đến 240GB/s, một kỷ lục thế giới hoàn toàn mới. Nhóm nghiên cứu hiện đang đặt mục tiêu tăng gấp bốn hiệu suất này để đạt tới tốc độ chưa từng có: 1TB/giây.
eeNews Europe báo cáo rằng các nhà nghiên cứu đã sử dụng laser tán xạ Brillouin kích thích để tạo ra tín hiệu ở mức 300GHz cho mạng 6G. Loại laser này sử dụng sự tương tác giữa sóng âm và sóng ánh sáng để tạo ra tín hiệu chính xác. Sau đó, nhóm đã thiết lập một hệ thống truyền thông không dây băng tần 300GHz sử dụng bộ tạo tín hiệu dựa trên laser này ở cả hai phía truyền và nhận.
Dải tần dưới terahertz, từ 100-300 GHz, sẽ được sử dụng bởi các máy phát và máy thu 6G. Để tăng thêm tốc độ truyền dữ liệu của các liên kết không dây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp tinh vi gọi là "điều chế tín hiệu đa mức". Tuy nhiên, phương pháp này trở nên rất nhạy với sự nhiễu loạn khi hoạt động ở đỉnh của các tần số này.
Để hoạt động hiệu quả, “điều chế tín hiệu đa mức” sẽ dựa vào các tín hiệu tham chiếu chính xác. Khi các tín hiệu này bắt đầu dịch chuyển, nhiễu pha sẽ ảnh hưởng xấu đến hiệu suất, để chống lại điều này, hệ thống sử dụng xử lý tín hiệu số trực tuyến (DSP) để giải mã “điều chế” các tín hiệu trong bộ thu và tăng tốc độ dữ liệu.
Tadao Nagatsuma, trưởng nhóm dự án, tự hào tuyên bố: "Nhóm của chúng tôi đã đạt được tốc độ truyền dẫn trên một kênh là 240GB/s. Đây là tốc độ truyền cao nhất đạt được cho đến nay trên thế giới bằng cách sử dụng DSP trực tuyến".
Các nhà nghiên cứu lạc quan rằng với việc sử dụng các kỹ thuật ghép kênh, cho phép sử dụng nhiều kênh hơn, và bộ thu nhạy hơn, họ có thể đẩy tốc độ dữ liệu lên đến 1TB/s, mở đường cho thế hệ mạng di động 6G tiếp theo.