Dữ liệu địa lý cho thấy trái đất đã trải qua hàng trăm lần đổi cực trong suốt lịch sử của nó. Quá trình này diễn ra khi các đám nguyên tử sắt ở lớp lõi ngoài ở dạng lỏng sắp hàng theo hướng ngược lại.
Khi đến điểm tới hạn, cực từ trái đất sẽ đảo ngược. Lần đảo cực gần đây nhất là vào 780.000 năm trước, vào thời đại đồ đá, và hiện đã có chứng cứ cho thấy hành tinh chúng ta có thể đang trong giai đoạn khởi động của quá trình này.
Tuy nhiên, liệu con người có nên lo sợ trước viễn cảnh trên hay không? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mũi tên phía bắc của la bàn giật ngược về Nam cực? Liệu các lục địa có bị xé toạc, hoặc chuyện kinh khủng khác sẽ xảy ra?
“Sự thay đổi đáng kể nhất khi các cực từ đảo là mật độ của toàn bộ từ trường giảm đi trên diện rộng”, Our Amazing Planet dẫn lời Jean-Pierre Valet, người nghiên cứu hiện tượng này tại Viện Vật lý trái đất Paris. Từ trường trái đất mất từ 1.000 đến 10.000 năm mới hoàn tất quá trình trên.
Do vậy, đừng suy diễn rằng mọi chuyện sẽ đột ngột diễn ra trong ngày một ngày hai. “Đó không phải là một vụ đảo cực tức thời, mà là một quá trình chậm chạp và trong suốt tiến trình này, sức mạnh của từ trường trở nên yếu đi. Nhiều khả năng từ trường sẽ trở nên phức tạp hơn và có thể xuất hiện nhiều hơn 2 cực từ trong một thời điểm, kế đến nó lại phục hồi sức mạnh và sau đó chính thức đảo cực”, Monika Korte, Giám đốc khoa học của Đài quan sát địa từ Niemegk thuộc GFZ Potsdam (Đức), nhận xét. Các chuyên gia dự đoán rằng giai đoạn yếu đi của từ trường sẽ gây khó khăn nhiều nhất cho cư dân trái đất. Theo John Tarduno, giáo sư địa vật lý ở Đại học Rochester, một từ trường mạnh mới đủ sức bảo vệ địa cầu trước những cơn bão bức xạ xuất phát từ mặt trời. “Những sự phun trào vật chất vành nhật hoa (CME) thỉnh thoảng xuất hiện, và đôi khi quất thẳng đến trái đất”, Tarduno nói.
Một số dạng hạt điện tích nguy hiểm liên quan đến CME có thể bị từ trường trái đất cản lại. Do vậy, tác động bảo vệ này sẽ kém hiệu quả nếu từ trường yếu đi. Những hạt điện tích xuất phát từ bão mặt trời tấn công trái đất có thể tạo nên những lỗ thủng trên bầu khí quyển và điều này có thể gây hại đến con người, giống như trường hợp tầng ozone bị thủng trên bầu trời Nam cực. Dù không tồn tại vĩnh viễn, những lỗ hổng này có thể xuất hiện từ 1 đến 10 năm, đủ làm tăng đột biến tỷ lệ ung thư da trong thời gian này.
Chuyên gia Valet của Viện Vật lý trái đất Paris đồng ý với giả thuyết rằng từ trường yếu có thể dẫn đến sự hình thành những “vết đạn” trên tầng ozone. Trong một báo cáo hồi năm ngoái, ông đưa ra khả năng có sự liên hệ trực tiếp giữa sự tuyệt chủng của người Neanderthal với sự sụt giảm đáng kể của mật độ từ trường của trái đất, vốn xảy ra trong cùng thời điểm. Lúc đó tiến trình đảo cực bị ngưng lại, có nghĩa là từ trường yếu đi.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác không bị thuyết phục với giả thuyết rằng đảo cực từ có thể dẫn đến sự diệt chủng trên diện rộng của các loài. Điều đáng lưu ý là toàn bộ các loài dựa vào các cực địa từ để di trú, trong đó có ong, cá hồi, rùa, cá voi, có thể bị mất phương hướng trong khi quá trình trên diễn ra. Còn về viễn cảnh thiên tai do các thềm lục địa và đại dương rúng động, kết quả ghi nhận địa chất không hề phản ánh bất cứ sự thay đổi nào về cấu trúc vỏ trái đất với tình trạng đảo cực từ.
Trường địa từ đang yếu đi, sau khi các chuyên gia ghi nhận được diễn biến bất lợi trong phần lõi chất lỏng bên dưới Brazil và nam Đại Tây Dương. Theo ông Tarduno, độ mạnh của từ trường đang giảm đi với tốc độ kỷ lục trong ít nhất 160 năm qua, khiến giới khoa học đặt nghi vấn rằng trái đất đang chuẩn bị bước vào giai đoạn đảo cực.
Khả năng này có thể xảy ra, hoặc có thể quá trình đang bị ngưng lại. Trái đất là một hệ thống vô cùng phức tạp và giới khoa học chưa dự đoán được sự tình sẽ diễn ra theo hướng nào. Dù sao đi nữa, tiến trình này sẽ còn kéo dài thêm vài ngàn năm nữa, cho phép con người có đủ thời gian để điều chỉnh với các thay đổi.
Trái Đất mất khoảng 50 ngàn tấn mỗi năm
Con số này tương đương với khoảng 0,000000000000001% khối lượng của nó. Thực tế thì con số khối lượng bị mất lớn hơn rất nhiều, gần 100.000 tấn nhưng do được bù lại từ bụi vũ trụ mà Trái Đất đã gỡ gạc lại phần nào!
Vì sao Trái Đất mất trọng lượng?
Tiến sĩ vật lý Chris Smith và Dave Ansel của đại hoc Cambridge đã công bố các kết quả cho thấy trong thời gian 1 năm thì quả địa cầu mất đi khoảng 95.000 tấn Hydro và 1.600 tấn khí Heli. 2 loại khí này quá nhẹ nên trọng lực của trái đất không giữ được nó trong bầu khí quyển. Một nguyên nhân khác là lõi nhiên liệu ở trung tâm Trái Đất mất dần khối lượng mỗi năm, bạn cứ hình dung nó như 1 lò phản ứng hạt nhân là sẽ hiểu được vấn đề, ít năng lượng hơn đồng nghĩa với khối lượng giảm. Và cứ mỗi năm thì chúng ta mất 16 tấn vì vấn đề này.
Vậy còn mất đi khí Hydro và Heli thì sao?
Khí Hydro thì không đáng kểì nhưng Heli lại là một vấn đề khá là nghiêm trọng. Bởi với tốc độ mất mát hiện tại thì phải khoảng vài ngàn tỷ năm nữa chúng ta mới hết khí Hydro, và khi đó thì Trái Đất cũng không còn tồn tại nữa rồi.
Về khí Heli, đây là 1 loại khí khá quan trọng và nó chỉ chiếm 0,00052% thể tích bầu khí quyển. Thực chất thì Heli thường được khai thác từ khí ga tự nhiên thông qua quá trình chưng cất phức tạp. Và Heli ngày càng hiếm trên trái đất nên việc mất 1.600 tấn một năm thật sự là rất đáng tiếc. Trong thực tế, nhà vật lý học đoạt giải Nobel Robert Richardson từng cho rằng mỗi một quả bóng bay phải trị giá 100$ vì nó chứa quá nhiều khí Heli!
Và bạn biết Heli dùng để làm gì không? Để dùng trong các máy MRI ở bệnh viện, dùng để giúp khinh khí cầu bay, để chế tạo hỗn hợp giúp thợ lặn thở dưới nước, dùng trong kính viễn vọng, trong các xét nghiệm đo độ tuổi của một vật chất nào đó hay giúp tên lửa bay lên trời...