Theo các nhà nghiên cứu, chiến dịch lừa đảo này đã hoạt động trong nhiều tháng và được gọi là UltimaSMS. Đúng như tên gọi, những kẻ đứng sau chiến dịch đã sử dụng tin nhắn SMS để phát tán ứng dụng giả mạo, khiến cho nạn nhân không nghi ngờ và dễ bị mắc bẫy.
Đa số các ứng dụng giả mạo đều có giao diện khá bình thường. Sau khi người dùng cài đặt, chúng sẽ yêu cầu quyền truy cập vị trí, IMEI và số điện thoại để xác định quốc gia bạn đang sinh sống.
Sau đó, các ứng dụng giả mạo sẽ tự động đăng ký các dịch vụ trả phí và âm thầm trừ tiền hàng tháng, cá biệt có dịch vụ trừ tiền lên đến 40 USD một tháng.
“Các ứng dụng được phát hiện về cơ bản có cấu trúc giống nhau, nghĩa là chúng đã được sử dụng lại nhiều lần dưới các tên gọi khác nhau. Hình ảnh giới thiệu về ứng dụng khá hấp dẫn, nhưng khi kiểm tra kĩ hơn chúng tôi nhận thấy hồ sơ của nhà phát triển 151 ứng dụng này tương đối giống nhau và có địa chỉ email chung”, các nhà nghiên cứu tại Avast cho biết.
Tệ hơn nữa, một số ứng dụng giả mạo đã được phân phối thông qua Facebook, Instagram, TikTok...
Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo danh sách 151 ứng dụng giả mạo tại đây và gỡ bỏ ngay lập tức nếu chúng tồn tại trên điện thoại.