500 triệu năm trước, một quần thể động vậy kỳ lạ cổ đại gồm nhiều loài giáp giác, giun và "các sinh vật có thân hình khủng khiếp" đang chăm sóc những con non trong một vực thẳm thuộc địa phận thành phố Côn Minh, Trung Quốc ngày nay. Nhưng một thảm họa bí ẩn đã ập xuống, rất có thể là lở tuyết, chôn vùi toàn bộ "vườn ươm sự sống" cổ đại này, biến nó thành một nghĩa địa ghê rợn ẩn chứa 2.800 cá thể thuộc 18 loài cổ đại.
Theo bài công bố mới trên Nature Ecology and Evolution, 17 loài trong số này là loài mới đối với khoa học, chưa từng ghi nhận ở bất kỳ đâu trên Trái Đất!
Live Science cho biết đây là một kho báu cổ sinh vật học vĩ đại. 51% các sinh vật ở đây là con non, hầu hết các mẫu vật ở trong trạng thái nguyên vẹn đến khó tin, với nhiều mô mềm được bảo quản hoàn hảo.
Nhà nghiên cứu Julien Kimming từ Bảo tàng Khoa học Trái Đất và khoáng sản và Phòng trưng bày Nghệ thuật tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), một trong các tác giả chính, cho biết: "Hóa thạch con non là thứ mà chúng ta khó tìm thấy, đặc biệt là từ động vật không xương sống thân mềm".
Nghĩa địa này có niên đại khoảng 518 triệu năm, thuộc kỷ Cambri, với tất cả sinh vật còn cư trú ở đại dương. Đây là thời đại chứng kiến những cuộc bùng nổ mãnh liệt nhất của sự sống, song song đó là các sự kiện đại tuyệt chủng kinh hoàng.
Đây cũng là bằng chứng quý giá về cách các sinh vật sơ khai đã biết tổ chức một môi trường an toàn chung để bảo vệ các con non. Nghĩa địa 518 triệu tuổi này hoàn toàn là một nhà bảo sanh và cũng là nhà trẻ: nhiều loại cùng tụ tập lại để làm tổ, đẻ trứng và chăm sóc con non, trong khi những con đã trưởng thành bơi đi nơi khác để tìm nguồn sống.