2/3 người dùng Android trên thế giới gặp rủi ro vì lỗ hổng này

Mới đây, các nhà nghiên cứu bảo mật của Check Point đã phát hiện ra một số lỗ hổng bên trong định dạng ALAC, cho phép kẻ tấn công thực thi mã từ xa trên điện thoại.
Chia sẻ

Apple Lossless Audio Codec (ALAC) là một định dạng mã hóa âm thanh được phát triển bởi Apple, và giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2004.

Cuối năm 2011, Apple đã chia sẻ mã nguồn của ALAC, và kể từ đó định dạng này được nhúng trong nhiều thiết bị và các trình phát đa phương tiện.

Apple vẫn nhiều lần phát hành các bản cập nhật và vá lỗ hổng bảo mật cho ALAC, nhưng mã nguồn được chia sẻ vẫn chưa được vá lỗi kể từ năm 2011.

Theo các nhà nghiên cứu của Check Point, Qualcomm và MediaTek (2 nhà sản xuất chipset di động lớn nhất thế giới) đã sử dụng định dạng mã hóa âm thanh ALAC trong các thiết bị di động, khiến hàng triệu người dùng Android gặp rủi ro về quyền riêng tư.

Theo IDC, 48,1% tổng số điện thoại Android bán ra tại Mỹ sử dụng chipset của MediaTek tính đến quý 4 năm 2021, trong khi Qualcomm hiện đang nắm giữ 47% thị trường.

2/3 người dùng Android trên thế giới gặp rủi ro vì lỗ hổng này - 1
2/3 người dùng Android trên thế giới gặp rủi ro vì lỗ hổng này - 2

Nghiên cứu này được đặt tên là “ALHACK” cho thấy 2/3 tổng số điện thoại thông minh được bán ra trong năm 2021 dễ bị tổn thương.

Lỗ hổng bảo mật bên trong ALAC cho phép kẻ gian có thể thực thi mã từ xa (RCE) trên thiết bị di động thông qua tệp âm thanh không đúng định dạng. Bên cạnh đó, kẻ gian còn có thể chiếm quyền kiểm soát dữ liệu đa phương tiện, bao gồm cả việc phát trực tiếp bằng điện thoại của nạn nhân.

Ngoài ra, phần mềm độc hại còn có thể sử dụng lỗ hổng này để nâng cao đặc quyền và giành quyền truy cập vào dữ liệu đa phương tiện hay các cuộc trò chuyện của người dùng.

Trước khi công bố các thông tin này, Check Point đã thông báo cho MediaTek và Qualcomm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cả hai nhà cung cấp để đảm bảo lỗ hổng này đã được khắc phục.

Hiện cả MediaTek và Qualcomm đều đã phát hành bản vá lỗi cho người dùng từ tháng 12 năm 2021.