Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí PNAS, các nhà khoa học đã nghiên cứu gần 1.000 zircon thu thập từ khu vực Jack Hills nước Úc, nơi mang những bằng chứng địa chất quan trọng về thời kỳ "sơ sinh" của Trái Đất.
Kết quả cho thấy hơn 35% số zircon này thuộc về loại S, một nhóm tinh thể đại diện cho hoạt động kiến tạo mảng.
Kiến tạo mảng là quá trình trong đó các mảng kiến tạo - có thể hiểu nôm na là các mảnh vỏ Trái Đất - chuyển dịch, trượt đè lên nhau, chui lên từ lớp phủ hay lặn xuống.
Tuy gây ra những sự kiện kinh khủng - từ việc các lục địa hợp lại rồi phân tách cho đến động đất, núi lửa.... - nhưng kiến tạo mảng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định khí hậu, khí quyển, giữ sự cân bằng hóa học cho hành tinh.
Vì vậy, kiến tạo mảng là một trong những điều kiện cần thiết để Trái Đất có thể sinh ra và bảo tồn sự sống.
Trước đây, người ta cho rằng quá trình này chỉ bắt đầu sau hoặc cuối liên đại Hỏa Thành, tức giai đoạn "cầu lửa" của Trái Đất, kéo dài từ khi địa cầu hoài thai cho đến 3,8 tỉ năm trước.
Thế nhưng, trong số zircon loại S vừa được xác định ở Úc có niên đại tận 4,2 tỉ năm trước.
Đó là bằng chứng cho sự khởi đầu của hoạt động kiến tạo.
Trong liên đại Hỏa Thành, địa cầu sở hữu bầu khí quyển đầy amoniac và methane đẫm nước, để cuối cùng ngưng tụ thành một đại dương bao phủ toàn hành tinh. Cũng vào thời kỳ này, Trái Đất dần nguội đi để tạo thành lớp vỏ ngoài rắn chắc.
Các "báu vật" zircon 4,2 tỉ năm tuổi cho thấy vào thời điểm đó, vỏ ngoài không chỉ đã hình thành mà đã phân tách thành các mảng kiến tạo, bắt đầu sự chuyển dịch cực kỳ quan trọng cho quá trình tiến hóa của hành tinh.
Điều này cho thấy địa cầu của chúng ta đã trải qua khoảng thời gian đầu tiên sôi động và phát triển nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Công trình được dẫn đầu bởi nhóm tác giả từ Viện Địa chất và địa vật lý và Đại học Khoa học Trái Đất và hành tinh, cùng thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc.