Ngày càng có nhiều công ty theo dõi việc sử dụng điện thoại của nhân viên, đặc biệt là khi thiết bị đó do công ty cung cấp.
Để quản lý nhân viên, một số công ty Trung Quốc đã áp dụng hình thức giám sát cực đoan, yêu cầu nhân viên chụp ảnh màn hình về tình trạng pin khi ra về để đảm bảo họ không xem video, nhắn tin trong lúc làm việc.
Năm ngoái, Hebo Technology, một công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, đã theo dõi chuyển động của nhân viên thông qua phần đệm ghế trong văn phòng. Chiếc đệm này được tích hợp một bộ phận thông minh để kiểm tra các nhân viên nào thường xuyên rời khỏi bàn làm việc.
Vào năm 2019, gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com đã yêu cầu nhân viên cung cấp cho công ty các thông tin về tài khoản mạng xã hội, chẳng hạn như thông tin về gia đình, bạn bè và thậm chí cả bạn học của họ.
Vào thời điểm đó, Qiang Meng, phó chủ tịch của Viện Công nghệ về Luật Dân sự Bắc Kinh, cho biết đây là “một hành vi thu thập quá nhiều thông tin cá nhân của nhân viên và có thể đã vi phạm quyền riêng tư của họ”.
Cùng thời điểm đó, tờ New York Times đã thực hiện một cuộc điều tra liên quan đến 250 ứng dụng iPhone để xem liệu chúng có theo dõi người dùng hay không và bằng cách nào. Kết quả cho thấy gần 2/3 ứng dụng trong số đó đã thu thập dữ liệu người dùng.
1. Bật Airplane mode (chế độ máy bay) và tắt định vị
Khi không có nhu cầu sử dụng điện thoại, bạn hãy tạm thời kích hoạt Airplane mode (chế độ máy bay). Lúc này, toàn bộ kết nối trên điện thoại bao gồm WiFi, Bluetooth, tín hiệu di động… sẽ bị tạm ngắt. Lưu ý, đây là cách nhanh chóng để hạn chế bị theo dõi nhưng không lí tưởng để sử dụng lâu dài.
Ngoài ra, nếu đang sử dụng iPhone, người dùng cũng nên truy cập vào Settings (cài đặt) - Privacy (quyền riêng tư) - Location Services (dịch vụ định vị) và tắt tùy chọn Location Services (dịch vụ định vị). Ngược lại, đối với các thiết bị Android, bạn có thể theo dõi cách thực hiện tại đây.
2. Bật tính năng ngăn chặn theo dõi trên điện thoại
Việc chặn theo dõi trên iOS 15 tương đối dễ dàng. Khi bạn cài đặt một ứng dụng mới, màn hình iPhone sẽ ngay lập tức hiển thị thông báo hỏi bạn có cho phép ứng dụng theo dõi hay không, nếu có, bạn chỉ cần chọn Allow (cho phép) và ngược lại là Ask App Not to Track (yêu cầu ứng dụng không theo dõi).
Trong trường hợp muốn thay đổi quyết định, người dùng có thể truy cập vào Settings (cài đặt) - Privacy (quyền riêng tư) - Tracking (theo dõi), sau đó bật nút gạt để cho phép ứng dụng theo dõi hoặc ngược lại.
Ngăn chặn các ứng dụng trên iPhone theo dõi bạn. Ảnh: MINH HOÀNG
Mới đây, Google cũng đã công bố một tính năng tương tự cho Android được gọi là Privacy Sandbox, giúp hạn chế dữ liệu cá nhân được chuyển cho bên thứ ba và không phép các hoạt động theo dõi tiếp tục trên ứng dụng.
3. Sử dụng trình duyệt riêng tư
Hầu hết mọi người đều sử dụng Google Chrome làm trình duyệt mặc định trên điện thoại, tuy nhiên, ít ai để ý rằng nó thường xuyên theo dõi các hoạt động trực tuyến của bạn.
Để hạn chế, bạn có thể sử dụng các trình duyệt ít theo dõi hơn hoặc hoàn toàn không theo dõi, đơn cử như DuckDuckGo, Brave, Firefox, Tor…
Sử dụng các trình duyệt ít theo dõi người dùng. Ảnh: MINH HOÀNG
Trong thời đại ngày nay, bạn sẽ không thể nào “ẩn mình” được hoàn toàn, thay vào đó, bạn chỉ có thể áp dụng một số mẹo nhỏ để hạn chế bị theo dõi khi truy cập Internet.