3 kiểu lừa đảo ngân hàng bạn nên cảnh giác vào dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm hoạt động mạnh của các phần mềm độc hại, do đó, người dùng phải thực sự cảnh giác và không cung cấp mật khẩu ngân hàng cho bất kỳ ai.

1. Lừa đảo qua mạng xã hội

Đầu tiên, kẻ gian sẽ tạo một tài khoản Zalo, Facebook giả mạo với tên gọi và ảnh đại diện tương tự như tài khoản của bạn, sau đó kết bạn với người thân, bạn bè... của bạn để lừa đảo, vay tiền. 

Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh cá nhân và tài khoản trùng khớp nên có không ít người đã trở thành nạn nhân của kẻ gian. Khi bị phát hiện, kẻ gian sẽ ngay lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản. 

3 kiểu lừa đảo ngân hàng bạn nên cảnh giác vào dịp cuối năm - 1

2. Giả mạo là nhân viên ngân hàng 

Đầu tiên kẻ gian sẽ tiếp cận bạn bằng nhiều cách khác nhau, đơn cử như gọi điện, nhắn tin, email... Sau đó chúng sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân (CCCD/CMND/sổ hộ khẩu) để hỗ trợ vay vốn, thanh lý hồ sơ cho vay, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi với lãi suất hấp dẫn. 

Tuy nhiên, để nhận được ưu đãi hoặc xóa nợ xấu khi vay vốn, kẻ gian sẽ yêu cầu bạn nộp trước một khoản tiền và hứa sẽ hoàn lại khi giải ngân. Sau khi nhận được tiền, kẻ gian sẽ chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

3. Giả mạo website/tin nhắn thương hiệu (SMS Brand name)

Hình thức lừa đảo này xuất hiện nhiều vào cuối năm 2020, vì mạo danh ngân hàng nên rất nhiều đã trở thành nạn nhân của trò lừa này. 

Đa số các mẫu điện thoại hiện nay đều sẽ gộp chung các tin nhắn có tên giống nhau vào cùng một mục, chính vì điều này, kẻ gian đã mua dịch vụ SMS Brand name trùng với tên của ngân hàng nhằm giả mạo tin nhắn ngân hàng, đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền của người dùng. 

3 kiểu lừa đảo ngân hàng bạn nên cảnh giác vào dịp cuối năm - 2

Theo đó, tin tặc sẽ gửi tin nhắn giả mạo các ngân hàng phổ biến tại Việt Nam như ACB, Sacombank… với nội dung như sau: “Tài khoản của bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu, phí dịch vụ hàng tháng là 2.000.000 VNĐ sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào để hủy”.

Thông thường, khi nhấp vào liên kết được gửi kèm, bạn sẽ bị chuyển hướng đến một trang web giả mạo có giao diện tương tự như website chính thức của ngân hàng. Nếu nhẹ dạ và điền thông tin đăng nhập, tiền trong tài khoản của bạn sẽ nhanh chóng bị “bốc hơi”.

Khác với những chiêu trò lừa đảo trước đó, hình thức giả mạo tên ngân hàng sẽ khiến bạn rất dễ bị mắc bẫy. Do đó, nhiều người sẽ không mảy may nghi ngờ và đăng nhập tài khoản, trở thành nạn nhân của kẻ gian.

Làm thế nào để hạn chế bị mất tiền ngân hàng?

- Tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền. Đồng thời lựa chọn các tổ chức tín dụng uy tín để tránh bị dính vào hoạt động “tín dụng đen”, sử dụng công nghệ cao ẩn danh dưới hình thức cho vay trực tuyến lãi suất cao.

- Cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu nhấp vào liên kết lạ và điền thông tin tài khoản ngân hàng.

- Trước khi chuyển tiền, bạn nên xác thực lại bằng cách gọi điện trực tiếp với người yêu cầu. Đồng thời cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền trên mạng xã hội, dù người yêu cầu tự xưng là người thân, bạn bè.

- Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp quản lý, bảo mật các thông tin này.

- Không cung cấp thông tin của cá nhân cho bất cứ ai, kể cả khi người đó tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…

- Không truy cập và thực hiện giao dịch trên các website lạ

- Không lưu thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử trên máy tính và trình duyệt.

- Không đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch mua bán hàng trực tuyến.