Theo các nhà nghiên cứu bảo mật, tội phạm mạng đang lạm dụng quảng cáo Google để phát tán phần mềm độc hại.
Khi người dùng nhấp vào các kết quả được tài trợ (quảng cáo) ở trên cùng và tải xuống, phần mềm độc hại sẽ bắt đầu xâm nhập máy tính. Điều này đồng nghĩa với việc kẻ gian có thể khai thác lỗ hổng trên thiết bị, thực thi mã từ xa, đánh cắp dữ liệu, mã hóa dữ liệu để tống tiền…
Tất nhiên, không phải tất cả các quảng cáo trên Google đều chứa phần mềm độc hại. Nhưng tội phạm mạng đang sử dụng các thủ thuật SEO và trả tiền để đưa quảng cáo có chứa phần mềm độc hại lên đầu kết quả tìm kiếm của Google.
Dưới đây là 4 cụm từ tìm kiếm bạn nên tránh bằng mọi giá để hạn chế bị mất tiền oan uổng.
1. Số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật
Giả mạo website và số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật là một trong những phương thức lừa đảo yêu thích của tội phạm mạng. Khi tìm kiếm số điện thoại của các công ty, ngân hàng… phổ biến, bạn hãy tránh nhấp vào các kết quả được tài trợ ở phía trên cùng.
Dưới đây là những số điện thoại hỗ trợ được tìm kiếm nhiều nhất:
- Amazon: 888-280-4331
- Microsoft: 800-642-7676
- Apple: 800-275-2273
- Google: 650-253-0000
- Meta (Facebook và Instagram): 650-543-4800
2. Cách kiếm tiền trực tuyến
“Cách kiếm tiền trực tuyến” là một trong những cụm từ được tìm kiếm khá nhiều trên Google, đặc biệt là khi tình trạng lạm phát và thất nghiệp đang có chiều hướng gia tăng.
Tất nhiên, vẫn có những công việc trực tuyến giúp bạn có thêm nguồn thu nhập, tuy nhiên, hãy cảnh giác với những lời đề nghị có vẻ quá tốt, việc nhẹ lương cao. Ví dụ như xem video 3-4 tiếng và nhận 500.000 đồng/ngày… nhiều khả năng đây là các tin tuyển dụng lừa đảo.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên cảnh giác với các công việc yêu cầu đóng lệ phí hoặc mua sản phẩm ban đầu.
3. Dịch vụ tìm thông tin về một người bất kỳ
Trên Internet có rất nhiều trang web hỗ trợ tìm kiếm thông tin về một người bất kỳ, tuy nhiên, các website này chỉ đơn giản là cố gắng dụ dỗ bạn đăng ký các gói dịch vụ trả phí.
Để tìm kiếm thông tin về một người, bạn có thể tìm thông qua Zalo (bằng số điện thoại) hoặc Facebook.
4. Tiền điện tử
Khi bạn mua tiền điện tử trên một sàn giao dịch như Coinbase, một chiếc ví sẽ được tạo cho bạn (một chiếc ví mà sàn giao dịch kiểm soát).
Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử nào và cũng chưa có quy định pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán, trao đổi… Do đó, người dùng sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia vào các hoạt động đầu tư tiền điện tử.