Làm tối cục bộ
Như đã biết, màn hình công nghệ LCD trước đây có thể bị rò rỉ một chút ánh sáng qua các điểm ảnh, ngay cả khi hiển thị khung hình một màu đen duy nhất. Chính vì vậy, công nghệ màn hình LED đã ra đời nhằm khắc phục những nhược điểm của thế hệ màn hình LCD. Bằng cách sử dụng hệ thống đèn nền LED thay vì được trang bị nguồn sáng đèn huỳnh quang như của LCD, màn hình công nghệ LED có thể làm giảm sự rò rỉ và tạo hình ảnh tốt hơn.
Ngoài ra, hầu hết màn hình LED đời mới còn tích hợp công nghệ Local Dimming vốn là một tính năng tuyệt vời nhằm làm tăng độ tương phản của hình ảnh bằng cách chiếu sáng chính xác những phần sáng của màn hình; đồng thời làm tối hoàn toàn những vùng hình ảnh tối. Công nghệ này được phát triển trên các thế hệ màn hình đời mới nhằm giúp cải thiện chất lượng sắc đen và độ chi tiết của những cảnh tối.
Về cơ bản, Local Dimming là tên gọi của công nghệ làm tối cục bộ cho phép thay đổi độ sáng tối của hệ thống đèn nền LED trên màn hình. Để làm được điều này, đèn LED tại những khu vực hiển thị hình ảnh có màu tối sẽ được làm mờ cục bộ trong khi những vùng có màu sắc tươi sáng trên khung hình vẫn được chiếu sáng một cách bình thường.
Tự động điều chỉnh độ sáng
Có lẽ ai cũng biết việc sử dụng máy tính, smartphone, tablet hay xem TV trong bóng tối thường xuyên sẽ làm cho mắt mệt mỏi vì phải điều tiết theo độ sáng của màn hình và độ sáng môi trường xung quanh. Hành động này kéo dài sẽ khiến mắt bị thoái hóa điểm vàng, dẫn tới suy giảm nhanh chóng thị lực, xuất hiện dấu hiệu ung thư mắt.
Sử dụng điện thoại hay máy tính trong ánh sáng yếu quá lâu tạo điều kiện cho các tia điện tử trực tiếp chiếu vào mắt, khiến kết mạc mắt bị khô kéo dài, dẫn tới ung thư mắt và mù lòa. Vì lý do đó, các thiết bị công nghệ trang bị màn hình ngày nay đều được tích hợp cảm biến ánh sáng để có thể tự động điều chỉnh độ sáng tùy thuộc vào môi trường sử dụng.
Hầu hết thiết bị có trang bị màn hình điện tử ngày nay như TV, laptop, smartphone, tablet mặc định đều được bật tính năng tự động điều chỉnh độ sáng màn hình phù hợp với môi trường xung quanh nên bạn không còn lo lắng khi dùng máy trong tối. Tuy nhiên, cũng cần hạn chế sử dụng như vậy liên tục trong thời gian dài mà chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Theo các chuyên gia, nếu buộc phải sử dụng lâu, bạn nên ngồi trong phòng đủ sáng và tốt nhất là nơi có ánh sáng tự nhiên.
Nếu màn hình được phủ một lớp kính bóng ở bề mặt thì nó có xu hướng phản xạ rất nhiều ánh sáng. Lúc đó, đôi mắt của bạn buộc phải làm việc nhiều hơn cần thiết. Đặc biệt, nếu sử dụng ngoài trời có nhiều nắng thì hiện tượng phản xạ khiến cho người dùng khó tập trung và mắt thêm căng thẳng.
May mắn là để khắc phục tình trạng này thì hầu hết các hãng sản xuất ngày nay đều sử dụng công nghệ màn hình chống chói vốn được phủ lớp mờ có khả năng khắc phục tình trạng phản xạ ánh sáng cực tốt.
Lớp phủ này về cơ bản có độ mịn phải nói là khá tốt và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến độ sắc nét hình ảnh, trong khi vẫn giúp hấp thụ đáng kể ánh sáng từ môi trường xung quanh và mang lại cảm giác thoải mái hơn khi làm việc. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả góc nhìn tối đa, màn hình được phủ lớp chống chói cũng giúp góc nhìn linh hoạt hơn khi làm việc trong môi trường có nguồn ánh sáng từ nhiều hướng khác nhau.
Màn hình cong
Một trong những công nghệ xuất hiện gần đây gây chú ý là màn hình cong. Điểm cốt yếu mà các nhà sản xuất muốn nhắm đến để quảng bá màn hình cong là yếu tố góc nhìn, tức là nhìn ở đâu cũng đẹp. Thực sự thì có thể nói tính năng này vẫn chưa mấy thuyết phục.
Màn hình cong hiển thị tốt nhất khi bạn xem trực diện hoặc xem chính giữa, cũng là cách chúng ta thường sử dụng với mọi loại màn hình trước nay. Tuy nhiên, màn hình cong cũng có vài lý do hấp dẫn khác. Dựa trên cấu tạo mắt người, một màn hình cong sẽ giúp mắt tiếp cận hình ảnh nhất quán hơn so với màn hình phẳng cùng kích thước, từ khoảng cách đến góc nhìn.
Theo các nhà sản xuất, màn hình cong cũng giúp trải nghiệm người dùng tốt hơn, tạo cảm giác hình ảnh như “vây” lấy xung quanh người xem. Bên cạnh đó, màn hình cong cũng cung cấp hình ảnh có độ sâu, do đó mang lại cảm giác toàn cảnh hơn, đặc biệt ấn tượng khi xem hình ảnh phong cảnh.
Giảm ánh sáng xanh
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường tiếp xúc với “ánh sáng xanh” (có người gọi là ánh sáng xanh tím) có năng lượng cao. Ánh sáng này được phát ra liên tục từ những thiết bị công nghệ như màn hình máy tính, TV, điện thoại thông minh, máy tính bảng hay thậm chí đèn LED. Theo một số nghiên cứu, ánh sáng xanh (Blue Light) từ màn hình chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mỏi mắt, cận thị, thoái hóa hoàng điểm và rối loạn giấc ngủ.
Chính vì vậy, các hãng sản xuất đã phát minh nhiều công nghệ nhằm làm giảm lượng ánh sáng xanh, mang đến cho đôi mắt người dùng sự thoải mái và được bảo vệ tốt nhất. Về cơ bản, những công nghệ này giúp giảm thiểu lượng ánh sáng xanh phát ra lên đến 70%, kèm theo đó là một vài công nghệ khác như chống chói và chống nháy giúp người dùng có được những trải nghiệm thoải mái nhất và bảo vệ mắt khi làm việc với màn hình máy tính hay các thiết bị công nghệ khác.
PC WORLD VN, 02/2018