Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Astronomy and Space Sciences, 5 hệ sao nói trên mang tên Kepler-34, Kepler-35, Kepler-38, Kepler-64 và Kepler-413, nằm cách chúng ta từ 2.764 đến 5.933 năm ánh sáng.
Trong số những hệ thống này, Kepler-64 có ít nhất bốn ngôi sao quay quanh nhau tại tâm của nó, trong khi những hệ thống khác có 2 ngôi sao; tất cả đều có ít nhất một hành tinh khổng lồ kích thước bằng Sao Hải Vương hoặc lớn hơn.
Theo giáo sư giáo sư Ian Dobbs-Dixon từ Đại học New York ở Abu Dhabi (UAE), một trong các tác giả chính của nghiên cứu, công trình của họ nhằm xác định những kiểu hệ sao có thể chứa đựng hành tinh sống được. Trước đó, các hành tinh quay quanh những hệ sao có ít nhất 2 ngôi sao trở lên làm trung tâm được coi là dễ tạo ra "vùng sự sống" rộng lớn nhất. Sẽ tốt hơn nếu nó không có các hành tinh khổng lồ vây quanh – là thứ có thể "phá hoại" sự hình thành một thế giới sống được.
Tuy nhiên, nhìn lại hệ Mặt Trời của chính chúng ta, rõ ràng là Trái Đất vẫn sống được cho dù hệ sao sở hữu rất nhiều hành tinh khổng lồ, đặc biệt là Sao Mộc "ngoại hạng". Vì vậy họ đã thử dùng các mô hình để tính toán khả năng sinh sống của các hệ sao đôi, sao ba, sao tư có hành tinh khổng lồ, và kết quả là 5 hệ sao đặc biệt nói trên.
Vùng sinh sống của 5 hệ sao này rộng từ 0,4-1,5 AU (đơn vị thiên văn, 1 AU bằng khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất). Trong đó hệ Kepler-38 được cho là dễ sống nhất.
"Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng ngay cả hệ thống sao đôi với các hành tinh khổng lồ cũng là mục tiêu nóng trong cuộc tìm kiếm "Trái đất 2.0". Coi chừng Tatooine, chúng tôi đang đến!" – tiến sĩ Nikolaos Georgakarakos từ Đại học New York ở Abu Dhabi, đồng tác giả, dí dỏm nói trên Sci-News. Tatooine chính là tên một hành tinh có sự sống, quay quanh một hệ sao ba trong loạt phim nổi tiếng "Chiến tranh giữa các vì sao".