Dù Google liên tục thay đổi thuật toán để đánh giá độ tin cậy của một trang web, nhưng những thông tin sai lệch vẫn có thể chen chân lên đầu kết quả tìm kiếm, khiến người dùng mắc sai lầm khi tìm kiếm thông tin.
1. Thông tin y tế
Khi gặp một số triệu chứng bất thường, rất nhiều người trong chúng ta thường tìm kiếm thông tin và chữa trị theo các hướng dẫn trên Google, và đã có không ít trường hợp xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Ví dụ, về mặt kỹ thuật, sốt là một trong những triệu chứng của bệnh ung thư, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn mắc bệnh. Rất có thể bạn chỉ đang bị cảm lạnh thông thường, do đó, bạn nên đến gặp trực tiếp bác sĩ để được kiểm tra và tham khảo ý kiến trước khi đưa ra kết luận.
2. Tư vấn tài chính
Google có thể là kho tàng cung cấp nhiều lời khuyên liên quan đến tài chính, tuy nhiên, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều ý kiến và bài viết gây hiểu lầm, làm mờ phán đoán của bạn, đặc biệt là các khóa học “lùa gà”.
Một truy vấn đơn giản về một khoản đầu tư cụ thể sẽ hiển thị vô số liên kết, và sẽ rất khó để đánh giá liên kết nào cung cấp hướng dẫn hợp lý.
Hãy tìm kiếm lời khuyên tài chính từ các chuyên gia có uy tín. Ảnh: TIỂU MINH
Do đó, bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ các nền tảng uy tín, chuyên gia tài chính đáng tin cậy chứ không phải dựa vào Google để đưa ra quyết định cuối cùng khi tham gia vào thị trường tài chính.
3. Thuyết âm mưu
Một chủ đề khác mà bạn nên tránh xa trên Google là thuyết âm mưu. Các lập luận gây tranh cãi thường có xu hướng thúc đẩy lưu lượng truy cập trực tuyến nhiều nhất. Một số trang web sẽ khai thác điều này bằng cách nói về những vấn đề gây tranh cãi, tạo ra các cuộc cãi vã không đi đến đâu để tăng lượng truy cập.
Các thuyết âm mưu rất phổ biến trên Google. Ảnh: TIỂU MINH
Google là nơi có những câu chuyện hoang đường nhất trên Internet, thường xếp hạng cao chỉ vì chúng phổ biến.
4. Tin nổi bật
Thông tin sai lệch lan tràn trên web và giống như các nền tảng trực tuyến khác, Google cũng đã phải vật lộn để hạn chế sự lan truyền của tin tức giả mạo. Mặc dù vậy, vào thời điểm Google gỡ một mẩu tin tức sai lệch, rất có thể nó đã được hàng triệu người đọc.
5. Đánh giá và đề xuất sản phẩm
Hầu hết chúng ta đều tìm kiếm đánh giá sản phẩm khi mua hàng. Nhưng bạn không nên tin tưởng tất cả các đánh giá và đề xuất một cách mù quáng.
Mặc dù có những trang web xuất bản các bài đánh giá không thiên vị, nhưng đa số các đánh giá trên mạng đều được trả tiền hoặc tài trợ. Thậm chí ngay cả những sản phẩm tệ cũng được thổi phồng về mặt chức năng, điều này giúp những người đánh giá có thêm tiền hoa hồng thông qua mỗi lượt mua hàng.
Dưới đây là một số điểm phân biệt giữa đánh giá sản phẩm trung thực và đánh giá gây hiểu lầm:
- Nếu bài đánh giá nội dung chỉ toàn khen, không đề cập đến bất kỳ nhược điểm nào thì nhiều khả năng đây là bài quảng cáo.
- Nếu không có bất kỳ hình ảnh tự chụp nào của sản phẩm, người đánh giá có thể đã không sử dụng sản phẩm.
Nói chung, các trang web không đáng tin cậy thường đánh giá bằng cách mô tả lại thông số của sản phẩm, thay vì dựa trên ý kiến riêng của họ.