Nhờ sự kết hợp giữa dữ liệu lớn (big data) và máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phân tích kho dữ liệu “khổng lồ” hiện có để trả kết quả theo yêu cầu từ phía người sử dụng. Với lượng kiến thức thu nạp “khủng” và liên tục, phải ví AI hơn cả một giáo sư.
Việc tận dụng AI như ChatGPT trong công việc mang lại nhiều lợi ích là điều không thể bàn cãi. Song người dùng - đặc biệt là những nhà viết lách phải luôn đọc thật kỹ những gì ChatGPT cung cấp, kiểm tra chéo thông tin và đầu tư thời gian yêu cầu ChatGPT hoặc tự tay chỉnh sửa văn phong cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.
ChatGPT sợ sai
Sợ sai thường khiến ChatGPT viết lách đúng nghĩa đen là lắt léo, chung chung, thiếu dẫn chứng. Trường hợp người dùng yêu cầu chi tiết hơn, ChatGPT cũng có thể cung cấp, nhưng sẽ mất không ít thời gian để kiểm tra lại.
Cách giải quyết: Hãy cứ yêu cầu ChatGPT dẫn chứng cho những ý cụ thể kèm số liệu và nguồn trích dẫn. Tuy nhiên, bản thân người dùng phải có kiến thức, kinh nghiệm đủ vững trong lĩnh vực, nội dung đang nhờ ChatGPT hỗ trợ; đồng thời đầu tư công sức tra soát.
ChatGPT sai
Thực tế trải nghiệm cho thấy, nhiều lúc dù ChatGPT Plus phiên bản mới nhất dẫn thông tin, số liệu kèm nguồn tham khảo hẳn hoi, nhưng khi người dùng truy cập nguồn đó thì không hề thấy những dòng thông tin do ChatGPT dẫn về.
Cách giải quyết: Người dùng nên chủ động tìm nguồn tin chính thống, đáng tin cậy để cung cấp đầu vào cho ChatGPT tạo ra nội dung trả lời. Còn không, buộc người sử dụng phải dành thời gian kiểm chứng những gì ChatGPT viết ra.
ChatGPT lặp ý
Lặp ý là một tật xấu thường thấy trong cách hành văn của ChatGPT. Do đó, nhiều người đánh giá việc biên tập lại nội dung do ChatGPT tạo ra đôi khi còn nhọc hơn tạo mới, thậm chí nếu tận dụng ChatGPT thì người biên tập phải cực kỳ kinh nghiệm mới có thể xử lý tốt.
Cách giải quyết: Hãy phản hồi cụ thể những câu, những phần mà người dùng thấy bị trùng lặp. Khi đó, ChatGPT sẽ đưa ra kết quả mới ít lặp ý hơn, song không phải lúc nào cũng như ý người sử dụng.
ChatGPT sáo rỗng
Trường hợp người dùng chỉ hỏi những câu chung chung, ChatGPT sẽ tạo ra nội dung đọc có vẻ hay, hợp lý. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, ngẫm sâu, người dùng sẽ nhận ra câu từ sáo rỗng, vô thưởng vô phạt, ít giá trị.
Cách giải quyết: Người dùng có thể tối ưu bằng cách nêu yêu cầu chi tiết ngay từ đầu vào với nhiều đặc tính (giọng điệu nhẹ nhàng, vào vai cô giáo, câu từ ngắn gọn, nội dung phù hợp cho trẻ em 3 - 5 tuổi,...), nhưng có thể sẽ phải gặp tình trạng sai thông tin.
ChatGPT hay "Điều này"
ChatGPT thường xuyên sử dụng "Điều này" để làm chủ ngữ trong các câu, đặc biệt là những câu cuối đoạn văn. Trong khi các bài viết lách nếu sử dụng chủ ngữ chi tiết và linh hoạt để tạo cảm giác mới lạ, mượt mà, giàu cảm xúc.
Cách giải quyết: Rất đơn giản, sau khi có kết quả ban đầu, hãy gửi yêu cầu ChatGPT chỉn sửa lại bằng cách đừng dùng "Điều này" nữa.
Nhìn chung, ứng dụng ChatGPT cho hiệu quả trong công việc còn phụ thuộc vào chính người sử dụng. Bên trên là một số "thói hư tật xấu" dễ xuất hiện trong các bài viết lách của ChatGPT, nếu người dùng biết cách khắc chế sẽ nhận được kết quả chuẩn chỉnh hơn.