Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), tội phạm mạng đã không ngừng nâng cấp kĩ năng tấn công, phương thức và thủ đoạn để lừa đảo người dùng. Không chỉ nhắm vào những lỗ hổng bảo mật, kẻ gian còn tấn công vào tâm lý, khai thác điểm yếu của người dùng, đặc biệt là trẻ em và những người lớn tuổi.
Đánh vào nỗi sợ hãi
Nếu như trước đây, tội phạm mạng chủ yếu sử dụng các kỹ thuật tấn công để xâm nhập hệ thống, đánh cắp dữ liệu, thì nay kẻ gian lại áp dụng thêm đòn tâm lý, thành thạo trong việc thao túng cảm xúc con người.
Bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi, lợi dụng lòng tin hoặc đánh vào tâm lý tội lỗi, kẻ gian dễ dàng điều khiển hành vi của nạn nhân, khiến họ rơi vào bẫy mà không hề hay biết.
Lợi dụng tâm lý sợ người có chức quyền, tội phạm mạng thường mạo danh công an, luật sư, cán bộ thuế... để đe dọa, uy hiếp nạn nhân. Chúng có thể giả mạo giấy tờ, sử dụng thuật ngữ chuyên ngành để tăng thêm tính thuyết phục. Đối với những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, chiêu trò này đặc biệt nguy hiểm.
Lợi dụng nỗi sợ bị bêu xấu
Trong thời đại mà mạng xã hội len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, nỗi sợ bị bêu xấu lại trở thành “vũ khí” của tội phạm mạng. Ví dụ, chúng có thể sử dụng deepfake để tạo ra các video, hình ảnh nhạy cảm giả mạo, sau đó đe dọa đăng tải những nội dung này lên mạng xã hội nếu không chịu trả tiền.
Nỗi lo sợ bị phán xét, ảnh hưởng đến danh dự, sự nghiệp khiến nhiều người cắn răng làm theo yêu cầu của kẻ gian.
Tra tấn tinh thần bằng tin nhắn, cuộc gọi
Không chỉ dừng lại ở những lời đe dọa, tội phạm mạng còn sử dụng chiến thuật tấn công dồn dập. Chúng liên tục gọi điện, nhắn tin, quấy rối tinh thần nạn nhân khiến họ mệt mỏi, suy sụp, mất khả năng phán đoán và cuối cùng là đầu hàng trước áp lực.
Đánh cắp dữ liệu
Phần mềm tống tiền (ransomware) là một "vũ khí" lợi hại của tội phạm mạng. Chúng xâm nhập vào thiết bị của nạn nhân, mã hóa dữ liệu quan trọng, biến những bức ảnh kỷ niệm, tài liệu công việc thành những dòng mã vô nghĩa. Sau đó, chúng đòi tiền chuộc để giải mã dữ liệu. Đối mặt với nguy cơ mất trắng tài sản số, nhiều người buộc phải chấp nhận trả tiền chuộc.
Lừa đảo cá nhân hóa
Trước khi tấn công, tội phạm mạng sẽ thu thập thông tin cá nhân về nạn nhân thông qua mạng xã hội, đơn cử như ngày sinh, hình ảnh, công việc, mối quan hệ… Sau đó tạo ra những kịch bản lừa đảo được cá nhân hóa, đánh trúng tâm lý của từng cá nhân.
Kẻ gian ngày càng chú trọng hơn đến việc tạo ra các kịch bản lừa đảo cá nhân hóa. Ảnh: Pexels
Làm thế nào để hạn chế bị lừa trong dịp cuối năm?
Để tránh trở thành nạn nhân của kẻ gian, người dùng cần chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, cụ thể:
- Luôn cảnh giác, xác minh thông tin: Trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào theo yêu cầu của người lạ, hãy bình tĩnh, tìm cách xác minh thông tin qua các kênh chính thống.
- Bảo vệ thông tin cá nhân: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư để kiểm soát thông tin được chia sẻ.
- Cẩn thận khi nhấp vào liên kết: Không nhấp hoặc mở các liên kết lạ, tệp đính kèm trong tin nhắn, email không rõ nguồn gốc.
- Sao lưu dữ liệu thường xuyên: Sao lưu dữ liệu quan trọng vào ổ cứng ngoài hoặc dịch vụ lưu trữ đám mây để tránh mất mát do tấn công mạng.
- Cài đặt phần mềm bảo mật: Sử dụng phần mềm diệt virus, tường lửa để bảo vệ thiết bị khỏi các mối đe dọa từ Internet.
- Nâng cao hiểu biết về an ninh mạng: Tìm hiểu về các chiêu trò lừa đảo phổ biến, cách thức hoạt động của tội phạm mạng, các biện pháp phòng tránh...