Ngoài phương pháp thanh toán thẻ, người Việt giờ đã làm quen với các loại hình ví điện tử - các ứng dụng cài trên điện thoại thông minh cho phép nạp, rút tiền để thanh toán nhanh hơn qua mã QR, tích hợp nhiều tính năng tiện lợi, kèm vô vàn ưu đãi, giảm giá khi sử dụng tại các cửa hàng, dịch vụ buôn bán…
Dùng ví điện tử vô cùng tiện lợi, nhưng chúng ta đều phải cẩn trọng trong khâu bảo mật. (Ảnh: internet).
Hay là thế nhưng việc đưa tiền thật vào tài khoản ảo cũng có thể gây ra nhiều vấn đề, rủi ro mà người dùng nhất định nên chú ý. Đã có không ít sự vụ bị kẻ xấu lừa đảo, mất tiền với nhiều chiêu thức tinh vi, đôi khi chỉ hơi chủ quan 1 chút là đã bị lợi dụng.
Vì thế, người dùng nhất định nên học thuộc những điều quan trọng dưới đây để tự bảo vệ chính mình và ví tiền.
1. Không cài ứng dụng lạ lên điện thoại
Việc cài các ứng dụng lạ, không được kiểm duyệt bởi kho ứng dụng chính thống rất dễ gây ra nhiều vấn đề chứ không chỉ mất tiền qua ví điện tử. Chúng có thể được kẻ xấu lợi dụng để đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ, mật khẩu, mã bảo mật… trong quá trình chúng ta sử dụng máy. Thậm chí, 1 số ứng dụng độc hại có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại, khiến bạn không thể dùng máy nữa và chỉ còn cách trả tiền cho hacker để mở khóa.
Với ví điện tử, ứng dụng độc hại có thể theo dõi các phím bạn gõ, từ đó đánh cắp được tên tài khoản, mật khẩu, mã OTP… - những thứ cực kì quan trọng, được ví như khóa cửa hay khóa két sắt vậy.
2. Không chia sẻ mã OTP
Mã OTP là mã được dùng ở bước cuối cùng trước khi chuyển tiền hoặc đăng nhập vào tài khoản. Mã chỉ dùng 1 lần nhưng là thứ cực kì quan trọng, không được để lộ ra. (Ảnh: internet).
Vấn đề này thực tế liên tục được các ví điện tử nhắc nhở. Tuy nhiên, vẫn có không ít người dùng chủ quan, đặc biệt khi nhận các tin nhắn lừa đảo liên quan đến trúng thưởng, làm việc online, kiếm thêm thu nhập thụ động…
3. Không dùng chung tài khoản ví điện tử
Nhiều ví điện tử hiện nay cho phép cài đặt và sử dụng cùng lúc trên nhiều thiết bị. Điều này thực ra là rất tiện lợi với các gia đình muốn dùng chung tài khoản, nguồn tiền. Tuy nhiên, chỉ cần 1 thành viên chủ quan, sơ hở là có thể khiến toàn bộ số tiền trong tài khoản biến mất.
Vì vậy, tốt nhất mỗi người nên sử dụng tài khoản riêng, không cho mượn, dùng “ké” để đảm bảo an toàn nhất có thể.
4. Bật các tính năng bảo mật vân tay/khuôn mặt
Hầu hết smartphone hiện nay đều đã hỗ trợ bảo mật vân tay hoặc khuôn mặt. Các ứng dụng ví điện tử cũng nhanh chóng cập nhật, hỗ trợ tính năng này khi mở ví và bạn nên sử dụng ngay.
Nên bật ngay các tính năng mở ví bằng vân tay/FaceID thay vì dùng mật mã để tăng cường bảo mật.
Bước nhập mật mã thường chỉ có 4 đến 6 số và nó không hề an toàn như bạn nghĩ. Chỉ cần sơ hở để kẻ xấu nhìn thấy là bạn đã tạo ra sơ hở để chúng tận dụng rồi. Nếu bật tính năng bảo mật vân tay hay khuôn mặt, chúng ta hoàn toàn không cần lo lắng vấn đề để lộ mật mã nữa.
5. Chỉ sử dụng các ví điện tử uy tín
Số lượng ứng dụng ví điện tử tại Việt Nam không hề nhỏ. Đếm sơ qua cũng đã có cả chục cái tên, nổi bật nhất là ví MoMo, ShopeePay, ViettelPay, ZaloPay, VNPay, Grab…
(Ảnh: internet)
Các ứng dụng này đến nay đã có lượng người dùng khổng lồ, được hỗ trợ, bảo chứng bởi các công ty, tổ chức lớn, tích hợp nhiều công nghệ, chứng nhận và tính năng bảo mật cao cấp. Tùy nhu cầu sử dụng, thanh toán mà bạn có thể chọn nhưng chúng đều đảm bảo an toàn cho người dùng, không cần sử dụng các ứng dụng ví điện tử lạ khác làm gì.
6. Thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản
Ngày càng có nhiều các vụ lộ thông tin tài khoản số lượng lớn trên mạng mà kẻ xấu hoàn toàn có thể mua lại với giá siêu rẻ. Dù chưa chắc thông tin của bạn đã bị sờ tới nhưng vẫn nên cảnh giác bằng cách thường xuyên thay đổi mật khẩu, ít nhất vài tháng 1 lần, thậm chí 1 tháng 1 lần nếu bạn thường xuyên trữ tiền, thẻ thanh toán trong ví điện tử.
Chất lượng của mật khẩu cũng là yếu tố quan trọng. Đừng đưa tên, ngày sinh hay các chữ, số dễ đoán như password hay 1234 vào mật khẩu nếu không muốn để kẻ xấu lợi dụng.