Xây dựng PC chơi game mới từ A-Z là công việc khá mất thời gian và đòi hỏi nhiều sự tập trung, đặc biệt khi đó là lần đầu tiên bạn mua từng phần cứng riêng lẻ để tự lắp ráp. Mớ linh kiện đáng giá cả chục triệu đồng ở trước mặt, và một thao tác không cẩn thận có thể khiến chúng đi toong hết. Bù lại, cảm giác biến một đống sắt thép, bo mạch, silicon hỗn độn trở thành chú trâu cày game hoàn chỉnh đầy sức mạnh chắc chắn là thứ mà việc mua PC ăn sẵn không bao giờ mang lại được. Chính vì lý do này, rất nhiều game thủ PC luôn chọn cách tự ráp máy tính mỗi khi hầu bao cho phép.
Lựa chọn linh kiện
Với một khoản tiền đã chuẩn bị, bạn bắt đầu tham khảo những linh kiện đang có trên thị trường. Từ mức giá cho tới hiệu năng và cả tính thẩm mỹ, tất cả đều được bạn nghiên cứu và tìm hiểu một cách say sưa.
Bạn sẽ có cảm giác mình là người có tiền, được quyền lựa chọn giữa cái này cái kia, được đóng vai "thượng đế" để hỏi những người bán. Tin tôi đi, đây là một trong những khoảng khắc tuyệt vời nhất khi bạn tự sắm PC cho bản thân.
Bóc tem linh kiện mới
Hít hà...
Dù đã bao nhiêu mùa quýt trôi qua, bao nhiêu lần lắp ráp máy tính, chúng ta cuối cùng cũng chẳng rõ thứ mùi đặc trưng phát ra từ đồ điện tử nói chung và linh kiện PC nói riêng khi mới ra khỏi hộp là gì. Mùi bìa mới từ hộp? Mùi chất chống ẩm? Mùi nhựa? Mùi bảng mạch? Dù là gì đi nữa, bạn chưa phải game thủ PC chính hiệu khi chưa biết thưởng thức thứ mùi chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn này.
Đặt CPU vào vị trí
Là đầu não của PC, lẽ dĩ nhiên nhiều người sẽ lựa chọn CPU là linh kiện đầu tiên cần phải gắn vào bo mạch chủ. Thật đáng thắc mắc tại sao là người thiết kế thanh đòn khóa CPU trên tất cả các loại bo mạch chủ chưa nhận được thế giới tôn vinh vì đã tạo ra một trong những thao tác hồi hộp đồng thời gây "nghiện" nhất từ trước đến nay. Càng xuống thấp, thanh đòn càng trở nên nặng hơn, kéo theo tâm lý lo sợ mình sẽ nghiền nát con CPU cả đống tiền vừa tậu của bạn.
Dù vậy, khi nó vào đúng vị trí cố định mà trước đó không tạo ra âm thanh quái gở nào, bạn sẽ cảm thấy mình giống như một kĩ sư đại tài vậy.
Cắm cái A vào cái B
Đúng vậy, việc lắp ráp máy dính dáng tới rất nhiều thao tác cắm. Cắm RAM, VGA, cắm dây nguồn, dây quạt, đèn báo hiệu, USB, cắm ổ cứng... Từ lúc tấm Mainboard còn trắng trơn đến khi mọi thứ vào vị trí, bạn đã thực viện vô số thao tác giống như các tay hacker trong phim ảnh. Hoặc, với những game thủ đầu óc đen tối hơn, bạn có thể liên tưởng tới những thứ khác không tiện đề cập ở đây.
Ngắm nhìn thành quả của mình từ trên cao và cũng để rà soát lại xem có nhầm lẫn hay thiếu sót nào không, đã đến lúc bạn chuyển sang bước tiếp theo, đó là...
Nhấn khởi động và máy sáng đèn
Lần đầu tiên của mọi thứ bao giờ cũng rất hồi hộp. Bạn chậm rãi đặt ngón tay lên nút Power, từ từ tăng dần lực vì sợ em PC đau. Chậm rãi tịnh tiến khúc thịt của mình về phía trước. Chậm rãi... Chậm rãi. Một tiếng "tách" mà dịch ra ngôn ngữ phần cứng máy tính là "á" nhỏ phát ra, và thế là... đen ngòm. Màn hình vẫn chưa nhận tín hiệu. "À quên chưa bật nguồn!". "tách" tập hai, cỗ máy rung lên nhè nhẹ, đèn báo phát sáng, các quạt tản nhiệt rên lên đầy phấn khích. Bạn ngồi đó thở phào nhẹ nhõm vào sẵn sàng bước chân vào thế giới ảo cùng cô bồ mới.
Chơi ngay những tựa game từng chỉ khả thi trên YouTube
Việc đầu tiên sau khi cài đặt Windows cùng các phần mềm thiết yếu xong xuôi của một game thủ chắc chắn là kiểm tra xem khả năng chơi game của chiến hữu mới ra sao. Call of Duty? Chưa buồn chỉnh đã tự nhận mức thiết lập cao nhất. Battlefield 4? "Ultra vô tư đi!" Crysis 3 sát thủ phần cứng? "Chừng nào tao còn dùng màn 17 inch thì còn lâu nhé!". Mọi trò chơi lúc này hoạt động thật trơn tru và nhẹ nhàng, khác hẳn với cảm giác ì ạch kèm âm thanh như xay lúa mỗi khi chơi game của cỗ máy trước kia. Nghĩ đến đây, bạn liền quay ra tặng cho nó một phát đạp và không quên kèm cái nhìn khinh bỉ.
Dù sao thì gã game thủ mới nới cũ chẳng bao lâu nữa cũng sẽ phải trả giá. Chỉ khoảng vài năm nữa thôi, hắn sẽ lại phải ngậm ngùi chơi game qua màn hình YouTube bởi các studio game cùng hãng sản xuất VGA luôn bắt tay chặt chẽ với nhau sao cho cả hai cùng bán được sản phẩm. Kinh doanh là vậy mà.