AAG đã được sửa xong, Internet Việt Nam đi quốc tế trở lại bình thường

Sự cố xảy ra ngày 2/4/2020 trên nhánh S1 của tuyến cáp quang biển quốc tế đã hoàn thành sửa chữa vào 6h30 sáng ngày 21/4/2020, sớm hơn gần 1 ngày so với kế hoạch. Hiện kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đã trở lại bình thường.

AAG đã được sửa xong, Internet Việt Nam đi quốc tế trở lại bình thường - 1

Trong thông tin mới chia sẻ với VietNamNet, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam xác nhận tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) đã được đối tác quốc tế sửa xong. Các kênh truyền trên tuyến cáp biển này đã hoạt động ổn định trở lại.

Vị đại diện ISP có sử dụng cáp AAG cũng thông tin, sự cố xảy ra ngày 2/4/2020 trên nhánh S1 được xác định vị trí lỗi giữa các Repeater 1 và 2, gần trạm cập bờ Hong Kong (Trung Quốc) của tuyến cáp AAG.

Sự cố được đối tác quốc tế bắt đầu xử lý từ trưa ngày 17/4/2020 và thực hiện hàn nối, cấu hình nguồn xong vào rạng sáng ngày 21/4/2020. Đến 6h30 ngày 21/4/2020, đối tác quốc tế hoàn tất công tác sửa chữa, dung lượng kết nối trên tuyến đã được khôi phục hoàn toàn.

AAG là tuyến cáp quang biển có tổng chiều dài 20.191 km, được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Tuyến cáp này kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ; đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314 km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tuyến cáp AAG đã nhiều lần gặp sự cố. Dù vậy, đây vẫn là tuyến cáp biển được nhiều ISP khai thác, sử dụng, đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Trong lần gặp sự cố vào ngày 2/4/2020, tuyến cáp AAG bị lỗi trên nhánh S1 kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong (Trung Quốc) khiến toàn bộ lưu lượng đường truyền đi qua hướng này bị mất.  Sự cố trên tuyến AAG đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế, trong đó VNPT bị mất 1.140Gb; FPT bị mất 550 Gb; và Viettel mất 370 Gb.