AI thúc đẩy kinh tế phát triển

Yếu tố quan trọng để ứng dụng AI là nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải có tư duy đổi mới, phân tích, tổng hợp để ra quyết định đúng đắn.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 (AI4VN) với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch Covid-19" vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP HCM đã thu hút hơn hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, công nghệ, doanh nghiệp (DN) đến chia sẻ công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo (AI), tiềm năng ứng dụng cũng như kiến nghị giải pháp để phát triển công nghệ AI cho Việt Nam.

Liên kết nhiều ngành, lĩnh vực

Tại sự kiện, các chuyên gia nghiên cứu công nghệ AI trong nước và quốc tế đã chỉ ra những lợi thế cùng phương thức để phát triển, khai thác tối đa công nghệ này.

Chia sẻ câu chuyện về việc ứng dụng AI ở Úc, TS Stefan Hajkowicz cho biết AI đã được ứng dụng rất nhiều trong nông nghiệp như robot xịt thuốc, làm những công việc nặng nhọc... để tăng năng suất lao động, đối phó với những điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giảm nguy cơ tai nạn. Dẫn ví dụ từ Hàn Quốc, TS Dongwha Kum, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, cho hay DN ở Hàn Quốc đã ứng dụng AI để sản xuất ra những bộ kit thử Covid-19 rất nhanh. Khi được chính phủ thông qua, họ chỉ mất 4 tuần là có thể sản xuất hàng loạt. Đồng quan điểm AI đang mang lại những ứng dụng thuận tiện, theo PGS-TS Trần Minh Triết, ĐHQG TP HCM, chiến lược phát triển AI của các quốc gia đều hướng đến mục tiêu giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp thay đổi được thị trường lao động. Để đạt những mục tiêu trên, ông Triết đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh đào tạo nhân lực và thu thập dữ liệu: "Đào tạo không chỉ dừng lại trong nhà trường mà cả những quá trình ra xã hội, để có khả năng tiếp cận những vùng tri thức mới, kiến thức, kỹ năng cần thiết để vận dụng trong cuộc sống và liên kết được nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau".

Cũng nhìn ở góc độ nguồn nhân lực, TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện VinAI Research, cho biết Việt Nam có tên trên bản đồ AI thế giới, song lực lượng nghiên cứu AI người Việt hiện rất mỏng. Dù trẻ, tài năng và thông minh nhưng họ gặp trở ngại là chưa có môi trường để thể hiện và phát huy. Theo ông Hưng, có 4 vấn đề cần chú trọng nếu muốn phát triển AI, gồm: nhân sự chất lượng tốt, đủ số lượng; đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu; đào tạo thế hệ trẻ chuyên về AI để tiếp nối; kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra được sản phẩm.

AI thúc đẩy kinh tế phát triển - 1

Cần tiếp cận rộng hơn

Nhiều DN cho rằng dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, đòi hỏi DN phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng. Việc ứng dụng AI sẽ giúp các DN kết nối trở lại với nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Phạm Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Tập đoàn Tân Hiệp Phát, thừa nhận nhờ ứng dụng công nghệ, DN này sẽ giải các bài toán về sự xung đột thông tin và dữ liệu, tạo sự thuận tiện cho người dùng thông qua các đối tác chiến lược và các công nghệ nền tảng từ SAP, Amazon, Deloitte, các công nghệ xử lý dữ liệu. Ông Tuấn cho rằng sự thành bại của việc chuyển đổi số phụ thuộc vào con người. Do đó, tập đoàn này chú trọng đầu tư lớn vào con người với rất nhiều chương trình đào tạo, tái cấu trúc với mục tiêu tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên của từng phòng, ban.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Hải, chuyên gia tại Trung tâm Không gian mạng, Tập đoàn Viettel - phân tích cơ hội và thách thức cho DN trong việc phát triển các ứng dụng xử lý tiếng nói. Công nghệ này đã giúp Viettel xử lý được khối lượng công việc khổng lồ chính xác, hiệu quả. Mỗi ngày, Viettel có gần 500.000 cuộc gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng. Nếu như trước đây phải dùng hàng ngàn nhân sự để giám sát các cuộc gọi nhưng không thể triệt để, khách quan thì hiện nay, bằng việc đưa cuộc gọi sang văn bản, sử dụng một số keyword (từ khóa) giúp phân tích cuộc gọi, từ đó đánh giá chất lượng chăm sóc khách hàng của tổng đài viên. Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng Giám đốc VNPT Technology, nhìn nhận đây là thời điểm thuận lợi để ứng dụng AI. Theo ông, yếu tố quan trọng để quyết định ứng dụng AI hay không là nhà lãnh đạo DN phải có tư duy đổi mới, phân tích, tổng hợp để ra quyết định đúng đắn.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, từ khóa AI đang được tìm kiếm và quan tâm nhiều trong những năm gần đây. AI là tâm điểm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. AI, với sự hội tụ của nhiều công nghệ như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Deep Learning (học sâu)… đã tạo ra nhiều thành tựu mới, làm thay đổi cuộc sống. Đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều khó khăn, thách thức nhưng AI đã tạo những cơ hội phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn bao giờ hết. Nếu như trước đây, Việt Nam mất hơn 10 năm để triển khai việc học E-learning thì nay, chỉ trong tháng 3-2020, việc học trực tuyến được triển khai đồng loạt cấp tiểu học, trung học đến bậc đại học. Các cơ quan nhà nước cũng có sự thay đổi khi hội họp đều chuyển sang trực tuyến.

Cũng theo ông Duy, AI không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu mà cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn về quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng và nguồn tài sản mới ngày nay là dữ liệu.

TP HCM đẩy mạnh ứng dụng AI

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết trong những năm qua, TP đã phát đi rất nhiều thông điệp về AI. Điển hình là đề án xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mới đây nhất, UBND TP đã ban hành chương trình chuyển đổi số. TP là một trong những tỉnh, thành đầu tiên phê duyệt chương trình chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trong đó trọng tâm là chương trình thúc đẩy ứng dụng AI tại TP.