Quả bóng Al Rihla - quả bóng chính thức của World Cup 2022 tại Qatar
World Cup 2022 đang diễn ra tại Qatar không chỉ là lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh mà còn trở thành nơi hội tụ nhiều công nghệ hàng đầu. Ngoài những công nghệ bắt việt vị, sử dụng trí tuệ nhân tạo để điều phối an ninh thì một điểm đặc biệt khác cũng gây chú ý người xem đến từ quả bóng được sử dụng cho kỳ World Cup này
Những quả bóng Al Rihla (có nghĩa là hành trình trong tiếng Ả Rập) được trang bị công nghệ cao đến mức chúng không chỉ cần được bơm căng mà còn cần sạc điện sau mỗi trận đấu.
Rõ ràng, so với thời người dùng phải săn lùng một chiếc bơm xe đạp, nhỏ chút dầu hoặc bơ vào một cây kim nhỏ để bơm không khí vào một quả bóng, những trái bóng này đã được cải tiến hơn rất nhiều.
Trái bóng được tích hợp một cảm biến bên trong để đo các dữ liệu như tốc độ, hướng di chuyển. Cảm biến này có kích thước nhỏ gọn, chỉ 14 gram, được gắn bên trong trái bóng nhờ công nghệ treo do Adidas phát triển.
Cảm biến bên trong trái bóng được sử dụng trong World Cup 2022 (Ảnh: Twitter)
Theo nhà sản xuất, khi các trận đấu của World Cup bắt đầu, những cầu thủ giỏi nhất hành tinh sẽ chuyền, đánh đầu và sút với quả bóng Al Rihla mới có thiết kế bóng bẩy mang đến tốc độ và độ chính xác tối tân.
Sialkot - nơi tạo ra trái bóng Al Rihla
Có một sự thật ít ai biết rằng quả bóng đặc biệt này lại xuất thân từ một nhà máy được đặt tại vùng ngoại ô hẻo lánh của Sialkot - một trung tâm công nghiệp nhỏ ở miền bắc Pakistan.
Điều kỳ lạ là người dân Pakistan lại có chung niềm đam mê với bộ môn cricket chứ không phải bóng đá. Trong khi đội tuyển bóng đá của Pakistan chưa bao giờ đủ điều kiện tham dự World Cup nhưng Sialkot đã trở thành người chiến thắng bên ngoài sân cỏ.
Nó đã đứng vững trước sự trỗi dậy của Trung Quốc để xây dựng một trung tâm sản xuất đồ thể thao đẳng cấp thế giới, thu hút các thương hiệu hàng đầu ở một quốc gia thiếu vắng các nhà xuất khẩu quốc tế.
"Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Dù bạn làm trong lĩnh vực gì thì bạn cũng sẽ phải cạnh tranh với cường quốc này", giám đốc điều hành Khawaja Masood Akhtar cho biết.
Theo Bloomberg, nếu bạn có một quả bóng đá, rất có thể nó đến từ Sialkot vì có đến hơn hai phần ba số bóng đá trên thế giới được sản xuất tại đây. Thành phố này có khoảng 1.000 nhà máy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hơn 60.000 người dân, tương đương 8% dân số thành phố.
Những công nhân này thường làm việc trong nhiều giờ để khâu các tấm bóng lại với nhau bằng tay. Hơn 80% quả bóng xuất xứ từ Sialkot được khâu thủ công, một quy trình tốn nhiều công sức giúp quả bóng bền hơn và ổn định hơn.
Các quả bóng tại Sialkot hầu hết được khâu thủ công bằng tay (Ảnh: Bloomberg)
Tại nhà sản xuất Anwar Khawaja Industries, những người thợ khâu được trả khoảng 160 rupee - khoảng 0,75 USD - cho mỗi quả bóng. Trung bình với ba quả bóng một ngày, thu nhập của một thợ khâu vào khoảng 9.600 rupee mỗi tháng. Trong khi đó, theo ước tính, ngay cả đối với một khu vực nghèo ở Pakistan, thu nhập của một người phải ở mức 20.000 rupee/tháng mới đủ sống.
Hầu hết những người khâu bóng là phụ nữ. Nam giới thường đảm nhiệm các giai đoạn khác trong quy trình sản xuất, chuẩn bị nguyên liệu hoặc kiểm tra chất lượng.
Vision Technologies, một nhà sản xuất bóng đá khác của Sialkot, năm nay cũng đã bắt đầu cung cấp bóng cho giải bóng đá Ligue 1 của Pháp. Trong nhà máy của Vision, hàng nghìn công nhân vận hành máy in, cắt và dán các quả bóng lại với nhau. Ở một bên, họ đưa các quả bóng vào một loạt các bài kiểm tra áp suất và khí hậu khắc nghiệt để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng.
Công nhân thu thập và kiểm tra những quả bóng đã hoàn thành tại một nhà máy ở thị trấn nhỏ Sialkot (Ảnh: Bloomberg)
"Họ sẽ không thể tìm được một quả bóng chất lượng như sản phẩm mà chúng tôi đang sản xuất. Họ chọn ở lại với chúng tôi vì biết đó là sự lựa chọn tốt nhất", Ahsan Naeem, Giám đốc điều hành Vision, cho biết.
Thành công của Sialkot là điều hiếm thấy ở Pakistan - quốc gia từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng xuất khẩu yếu kém và các cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán kéo dài. Ước tính, mọi người trên khắp thế giới mua khoảng 40 triệu quả bóng đá mỗi năm và doanh số bán hàng dự kiến sẽ còn tăng vọt trong thời gian diễn ra World Cup./.
Nguồn tham khảo: Financial Times, Bloomberg