Hơn một phần ba các đánh giá sản phẩm trên Amazon bị xem là giả mạo hoặc không đáng tin cậy. Giờ đây, hãng đang thực hiện các hành động pháp lý để xử lý các đánh giá đó: Tuần qua, Amazon đã đệ đơn kiện các quản trị viên của hơn 10.000 nhóm Facebook mà họ cáo buộc đã dàn xếp các bài đánh giá không “thật thà” để đổi lấy tiền hoặc vật phẩm miễn phí.
Quản trị viên của một nhóm bị cáo buộc tính phí người bán trên Amazon 10 USD cho mỗi bài đánh giá tốt. Một nhóm khác có tên "Đánh giá sản phẩm của Amazon" có hơn 43 nghìn thành viên trước khi bị xóa.
Nhiều nhóm được cài đặt chế độ riêng tư, và người đăng bài cố gắng trốn tránh sự kiểm duyệt bằng cách xoá một vài chữ cái trong bài viết, ví dụ như “Rfund Aftr Rvew” (Người đọc sẽ hiểu được là “Refund after Review” - Sẽ trả lại hàng sau khi đánh giá).
Amazon muốn các nhóm đóng cửa và trả lại “lợi nhuận không xứng đáng có” cho hãng. Công ty chủ quản của Facebook là Meta đã xóa một nửa số nhóm được báo cáo - và đang điều tra những nhóm khác.
Những bài viết giả mạo đang ngày càng trở thành vấn đề đau đầu đối với Amazon, sàn giao dịch của hàng triệu người bán bên thứ ba. Đó không chỉ là vấn đề của riêng Facebook: các cộng đồng đánh giá bất hợp pháp đã phát triển mạnh trên các ứng dụng xã hội như WhatsApp, Telegram và WeChat.
Amazon nói rằng họ sử dụng kết hợp giữa AI và nhân viên kiểm duyệt để xoá các đánh giá giả mạo và đã báo cáo hàng nghìn nhóm cho các mạng xã hội. Tuy nhiên, số lượng bài đánh giá giả vẫn còn quá nhiều.
NHƯ VẬY LÀ:
Vấn nạn giả mạo đang đè nặng lên các nền kinh tế dựa vào niềm tin. Amazon không phải là đơn vị duy nhất bị cản trở bởi chiêu trò này: Yelp, TripAdvisor và Google có cùng một vấn đề. Đã từng có người đưa một nhà hàng không có thật lên tận đầu bảng “nhà hàng tốt nhất ở Luân Đôn” trên TripAdvisor khiến cả thế giới “choáng váng”.
Các bài đánh giá năm sao có thể là lý do bạn ra quyết định mua sắm, do đó các đánh giá gây hiểu lầm có thể khiến bạn mất lòng tin vào nền tảng, đe dọa các doanh nghiệp dựa vào đánh giá như Amazon.