Trong cuộc chiến với Intel, thì AMD trông giống như anh chàng David tí hon đứng trước gã khổng lồ Goliath. Và kẻ giành chiến thắng cuối cùng chưa chắc đã là gã khổng lồ. Vừa mới đây, AMD đã công bố kết quả kinh doanh Q3/2019 của mình, mà theo CEO Lisa Wu thì những con số này khiến bà thực sự rất hài lòng.
Doanh thu của AMD đạt 1,8 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2005 đến nay. AMD cũng dự đoán kết quả kinh doanh quý tiếp theo sẽ vẫn khởi sắc, tăng trưởng 48% so với cùng kỳ năm ngoái để đạt 2,1 tỷ USD. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip cũng đã tăng gấp 15 lần kể từ năm 2015.
CEO Lisa Wu của AMD trong buổi họp công bố kế quả kinh doanh Q3/2019.
Mặc dù có tầm vóc nhỏ bé, nhưng AMD vẫn tỏ rõ sự quan trọng của mình trong ngành công nghiệp chất bán dẫn, so kè cùng lúc với cả hai gã khổng lồ Intel và Nvidia.
Bộ vi xử lý CPU của AMD là chip đa năng, có thể sử dụng cho trung tâm dữ liệu, máy tính để bàn và máy tính xách tay, cạnh tranh với Intel - gã khổng lồ có doanh thu 78 tỷ USD trong năm 2018 và là nhà sản xuất chip lớn thứ 2 thế giới. Bộ vi xử lý đồ họa GPU của AMD hỗ trợ chơi game, xử lý tính toán trong trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và machine learning, cạnh tranh với Nvidia - doanh thu năm ngoái đạt 11,7 tỷ USD, gần gấp đôi so với AMD.
Trong đó, chiến trường khốc liệt nhất chính là đối đầu với Intel. Cho đến nay, Intel vẫn gần như độc quyền thị trường CPU. Theo Mercury Research, Intel chiếm 92,4% thị phần CPU cho máy tính và 99,2% thị phần CPU cho máy chủ, trong năm 2015. Tuy nhiên gần đây, thị phần của AMD đã tăng lên 14,7% đối với CPU cho máy tính, và 3,1% thị phần cho máy chủ.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự hồi sinh mạnh mẽ của AMD trước sự lấn át của gã khổng lồ Intel. Đầu tiên đó là những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Năm 2012, AMD đã thuê lại Jim Keller, một nhà thiết kế chip có nhiều kinh nghiệm và đã từng làm việc tại Apple.
AMD từ lâu đã sử dụng chiến lược cạnh tranh bằng giá, những con chip của AMD thường rẻ hơn nhiều so với Intel, nhưng hiệu năng cũng kém xa. Nhưng những con chip mới đây của Jim Keller, được ra mắt hồi năm 2017, không chỉ rẻ mà còn có hiệu năng không thua kém, thậm chí vượt mặt chip của Intel.
Những con chip của AMD ngày càng mạnh, hiệu năng vượt trội hơn cả đối thủ Intel.
Những con chip Zen mới đã giúp AMD giành được một loạt hợp đồng với các đối tác lớn, như Microsoft và Sony (cho máy chơi game mới), Google (trung tâm dữ liệu) và Cray (siêu máy tính).
Lý do thứ hai đến từ Intel. Trong khi những con chip AMD liên tục cải tiến và gia tăng hiệu năng, Intel lại liên tục vấp ngã. Tiến trình sản xuất chip xử lý mới của Intel hứa hẹn mang đến hiệu năng ấn tượng hơn, nhưng đã liên tục bị hoãn lại. Khiến cho Intel vẫn phải sử dụng những kiến trúc cũ trên những bộ vi xử lý mới nhất của mình. AMD đã ký hợp đồng sản xuất với TSMC, nhà sản xuất chip đến từ Đài Bắc (Trung Quốc) với những công nghệ và dây chuyền tiên tiến hơn cả Intel.
Sự hồi sinh của AMD cũng là một tin vui đối với người tiêu dùng. Bởi sự cạnh tranh khiến cho Intel bắt buộc phải thay đổi, khi mà trước đây các sản phẩm của Intel luôn có giá thành cao. Tuy nhiên gần đây, Intel đã phải giảm giá các chip xử lý CPU mới để có thể cạnh tranh được với AMD. Dự kiến dòng chip xử lý mới nhất của Intel sẽ ra mắt vào tháng 11 này, và có giá bán rất phải chăng.
Intel đã ở trên ngai vàng quá lâu, mà quên mất rằng sự thay đổi và tiến bộ là điều kiện sống còn trong ngành công nghiệp công nghệ cao này. Những bằng chứng sống như Nokia hay BlackBerry có thể cho thấy rằng mọi gã khổng lồ đều có thể bị đánh bại. Vì vậy AMD hoàn toàn có thể tin vào một ngày sẽ lật đổ Intel, nếu cứ tiếp tục giữ vững phong độ như hiện nay.
Tham khảo: economist