Án phạt 250 tỷ hé lộ mặt trái sẽ khiến người dùng lo ngại về Apple?

Apple vừa bị cáo buộc đã có hành vi trực tiếp khai thác, trục lợi về mặt kinh tế đối với dữ liệu người dùng mà công ty thu thập được.

Apple Insider đưa tin, Apple vừa chính thức nhận "trát phạt" từ Cơ quan Giám sát Cạnh tranh của Ý (AGCM) với cáo buộc sử dụng trái phép dữ liệu người dùng cho mục đích thương mại. Điều này vi phạm Bộ luật Tiêu dùng của Ý.

Án phạt 250 tỷ hé lộ mặt trái sẽ khiến người dùng lo ngại về Apple? - Ảnh 1.

CEO Apple Tim Cook tại sự kiện WWDC 2019

Theo cáo buộc của Cơ quan Giám sát Cạnh tranh của Ý, Apple đã có hành vi trực tiếp khai thác, trục lợi về mặt kinh tế đối với dữ liệu người dùng mà công ty thu thập được. Những dữ liệu này được Apple sử dụng để "kích cầu doanh số bán sản phẩm của mình hoặc của bên thứ ba thông qua các nền tảng thương mại độc quyền như App Store, iTunes Store và Apple Books.

Cáo buộc Cơ quan Giám sát Cạnh tranh của Ý cũng cho biết Apple đã không thông báo đầy đủ cho người dùng rằng dữ liệu của họ sẽ được sử dụng cho mục đích thương mại. Apple cũng không cung cấp cho khách hàng tùy chọn từ chối cho phép sử dụng dữ liệu của mình. Việc khai thác thông tin này diễn ra khi người dùng chưa đồng ý.

Án phạt 250 tỷ hé lộ mặt trái sẽ khiến người dùng lo ngại về Apple? - Ảnh 2.

Cơ quan Giám sát Cạnh tranh của Ý cáo buộc Apple đã có hành vi trực tiếp khai thác, trục lợi về mặt kinh tế đối với dữ liệu người dùng mà công ty thu thập được

Theo MacRumors, nếu các cáo buộc của Cơ quan Giám sát Cạnh tranh Ý đưa ra là đúng, điều này đồng nghĩa Apple đang "tự giẫm" lên chính sách bảo mật do họ đề ra. Apple từng nhiều lần tuyên bố luôn ưu tiên quyền riêng tư, đồng thời chỉ trích các công ty khác lấy thông tin cá nhân khách hàng để kinh doanh.

Chính sách bảo mật của Apple quy định rằng, công ty chỉ sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng để phục vụ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình, cũng như ngăn chặn gian lận và cho mục tiêu truyền thông,… dựa trên tuân thủ luật pháp địa phương. Dữ liệu cá nhân chỉ có thể được sử dụng cho các mục đích khác khi có sự đồng ý của người dùng.

Án phạt 250 tỷ hé lộ mặt trái sẽ khiến người dùng lo ngại về Apple? - Ảnh 4.

CEO Tim Cook nói về chính sách bảo mật của Apple tại WWDC hồi tháng 6 (Ảnh: Apple)

Apple sẽ có thời gian kháng cáo, nhưng kết quả từ nhiều vụ việc tương tự trong quá khứ cho thấy rằng nộp phạt thường là phương án sau cùng của các công ty bị cáo buộc vi phạm. Trong trường hợp kháng cáo bất thành, số tiền mà Apple phải nộp cho nhà chức trách sở tại có thể lên tới 10 triệu Euro (tương đương 11 triệu USD, khoảng 250 tỷ đồng).

Không chỉ Apple, Google cũng nhận trát phạt từ Cơ quan Giám sát Cạnh tranh của Ý cùng cáo buộc tương tự.