Ảnh, clip: Ngoạn mục hiện tượng nhật thực ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới ngày 20/4

Trong khi tại Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực với độ che phủ khá nhỏ thì tại Đông Timor có thể quan sát rõ nhật thực toàn phần với đủ các giai đoạn.

Ngày 20/4, nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra hiện tượng nhật thực, trong đó có Việt Nam. Tại TP.HCM, hiện tượng này sẽ bắt đầu vào lúc 10h36, đạt cực đại với độ che phủ 5,38% vào lúc 11h20, và kết thúc vào lúc 12h06 cùng ngày.

Dựa trên dân số của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên đường đi của nhật thực, có khoảng 375.000 người trên toàn thế giới có thể quan sát được nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên; khoảng 9,58 triệu người quan sát được mức độ che phủ trên 90%; khoảng 693.000 người quan sát với độ che phủ dưới 10%.

Trong khi tại Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực với độ che phủ khá nhỏ thì tại Đông Timor có thể quan sát rõ nhật thực toàn phần với đủ các pha/giai đoạn. Anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) đã dẫn đầu một đoàn các bạn trẻ yêu thích thiên văn, tới Đông Timor ghi nhận hiện tượng này.

Ảnh trực tiếp nhật thực toàn phần ghi nhận tại Đông Timor.

"Chúng tôi đã trực tiếp tới Đông Timor để chụp ảnh chụp nhật thực toàn phần (Total Solar Eclipse - TSE). Đây có lẽ là hiện tượng tự nhiên hiếm và ngoạn mục nhất của đoàn HAAC trực tiếp từ Timor Lester, với đủ những gì tinh túy nhất có lẽ ai đó may mắn cũng chỉ có thể trải nghiệm một lần trong đời: Vành nhật hoa (Corona), Hiệu ứng Nhẫn kim cương (Diamond ring effect) và Chuỗi hạt Baily (Baily's beads)", anh Duy chia sẻ.

Chùm ảnh nhật thực toàn phần tại Đông Timor (Nguồn ảnh: HAAC):

Ảnh, clip: Ngoạn mục hiện tượng nhật thực ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới ngày 20/4 - 2

Giai đoạn Vành nhật hoa (Corona): Chúng ta chỉ quan sát được vành nhật hoa (Corona, khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời hau vầng hào quang bao quanh bề mặt Mặt Trời) khi diễn ra nhật thực toàn phần. Vành nhật hoa tuy nóng đến hàng triệu độ nhưng cực kỳ loãng và mờ, so với bề mặt sáng chói cuả Mặt Trời. Chúng ta chỉ quan sát thấy khi đĩa Mặt Trời bị che toàn bộ.

Ảnh, clip: Ngoạn mục hiện tượng nhật thực ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới ngày 20/4 - 3

Giai đoạn Hiệu ứng nhẫn kim cương  (Diamond Ring Effect): Hiệu ứng nhẫn kim cương là một trường hợp của chuỗi hạt Baily. Khi chỉ còn một chuỗi duy nhất, đó là hiệu ứng nhẫn kim cương. Theo đó, chuỗi hạt Baily diễn ra trong vài giây tại những nơi ở trong dải toàn phần.

Ảnh, clip: Ngoạn mục hiện tượng nhật thực ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới ngày 20/4 - 4

Giai đoạn Chuỗi hạt Baily (Baily’s Beads): Hiệu ứng này diễn ra ở thời điểm kết thúc pha một phần và bắt đầu pha toàn phần, cũng như khi kết thúc pha toàn phần và chuẩn bị về lại pha một phần. Đó là khi Mặt Trăng chuẩn bị che khuất hoàn toàn đĩa Mặt Trời, địa hình lồi lõm của phần rìa Mặt Trăng cho phép chúng phản chiếu lại các chùm ánh sáng Mặt Trời tại một số khu vực. Điều này làm chúng ta quan sát thấy bao quanh Mặt Trăng giống như một chuỗi các hạt bao quanh.

Ảnh, clip: Ngoạn mục hiện tượng nhật thực ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới ngày 20/4 - 5

Giai đoạn Toàn phần khi toàn bộ đĩa Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất, và kèm theo đó là rất nhiều hiện tượng thú vị phía sau.

Chùm ảnh nhật thực hình khuyên tại Tây Ninh, Việt Nam (Nguồn ảnh: Bảo Trần/HAAC):

Nhật thực hình khuyên tại Tây Ninh, Việt Nam ngày 20/4/2023.