Theo Business Insider, dữ liệu thu thập được trong các cuộc kiểm tra tại nơi làm việc cho thấy tốc độ làm việc tại Amazon làm tăng nguy cơ thương tích cho hơn 750.000 nhân viên kho hàng ở Mỹ.
Trong khi đó, nguy cơ suy nhược cơ và khớp được đánh giá là không thực sự đáng kể. Tuy nhiên, vì những tổn thương này tích tụ theo thời gian nên nhân viên Amazon có thể không biết họ đang gặp rủi ro sức khỏe trong nhiều tháng hoặc nhiều năm - điều có thể để lại đau đớn suốt đời.
4 cuộc thanh tra của bang Washington được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022 đã cho thấy "mối liên hệ trực tiếp" giữa tốc độ làm việc của Amazon và tỷ lệ thương tật cao của nhân viên kho hàng. Cuộc kiểm tra được khơi mào bởi dữ liệu được công bố vào năm 2020 rằng nhân viên kho hàng của Amazon có nguy cơ bị thương nặng gấp đôi so với những người ở công ty khác.
Amazon từng gọi cuộc điều tra liên bang là "vô căn cứ”. Đại diện của Amazon cho biết phân tích dữ liệu của riêng Amazon do các thanh tra của bang thu thập chỉ ra rằng nguy cơ thương tích của nhân viên ở mức thấp hơn đáng kể.
Business Insider đã nói chuyện với một số nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của Amazon - những người bị thương khi làm việc cho công ty, để có thêm thông tin về vấn đề này.
Khi Mark Takakura (32 tuổi) bắt đầu làm việc tại Amazon vào tháng 9/2020, anh tự nhủ sẽ làm việc thật chăm chỉ và tự tin rằng sẽ chịu được áp lực công việc. Trước đó, anh từng là quân y phục vụ trong quân đội Mỹ 4 năm.
Tuy nhiên, điều Takakura không ngờ tới là anh đã đăng ký làm một trong những việc nguy hiểm nhất tại chi nhánh ở DuPont (Washington) - một trong những cơ sở nguy hiểm nhất của Amazon tại Mỹ. Công việc đó là kéo các pallet và xe chở hàng trăm kg hàng hóa đến các trạm khác nhau xung quanh nhà kho.
Dù từng phục vụ quân đội nhưng Takakura cho rằng công việc khá nặng nhọc và có nhịp độ nhanh. Điều duy nhất mà anh thấy hứng thú trong công việc là mối quan hệ với các cựu chiến binh.
Chỉ 6 tháng sau khi làm việc tại DuPont, lưng của Takakura bắt đầu đau nhức. “Tôi bắt đầu gặp khó khăn khi vặn mình thức giấc buổi sáng. Mùa thu năm ngoái, tôi với tay để nhấc 1 bao thức ăn cho cún cưng nặng hơn 10 kg nhưng nhanh chóng cảm thấy đau như bị kim châm”, anh kể lại.
Bác sĩ của Takakura xác nhận rằng anh bị thoái hóa ở phần giữa cột sống. Điều này có thể trầm trọng hơn nếu anh tiếp tục kéo các gói hàng quanh nhà kho từ 40 giờ trở lên mỗi tuần.
Sau chấn thương, Takakura bắt đầu vật lộn để đạt năng suất theo yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, anh nhận được cảnh báo của người quản lý rằng anh đang bắt đầu không đạt chỉ tiêu. “Họ nói rằng nếu cần, chúng tôi có thể giảm tốc độ để đảm bảo an toàn. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Nếu giảm tần suất, quản lý cấp cao hơn sẽ đến nói chuyện với bạn. Họ có rất nhiều tiêu chuẩn kép”, Takakura nói.
Ngay cả sau gần 1 năm thăm khám trị liệu thần kinh cột sống, vật lý trị liệu và xoa bóp, cơn đau lưng của Takakura vẫn chưa thuyên giảm hoàn toàn. Bác sĩ chẩn đoán rằng nó sẽ theo anh đến suốt đời.
“Tôi và những người bạn cựu chiến binh thường nói với nhau rằng quân đội rất vất vả nhưng không là gì so với Amazon”, Takakura chia sẻ.
Về phần mình, Amazon cho biết thương tích trên chỉ mang tính cá nhân và không đại diện cho tình trạng của hơn 750.000 nhân viên tuyến đầu của họ.
Thương tích của Takakura là loại thương tích phổ biến nhất tại các kho hàng của Amazon. Nó được gọi là rối loạn cơ xương, bao gồm nhiều loại tổn thương cơ và khớp do chuyển động lặp đi lặp lại và hoạt động quá mức. Viêm gân, đau lưng, hội chứng ống cổ tay và thoát vị đều là những dạng rối loạn cơ xương khớp. Amazon cho biết những chấn thương như vậy chiếm khoảng 40% số ca chấn thương tại các cơ sở của mình.
Tại nhà kho ở DuPont, những nhân viên bị thương như vậy phải mất trung bình 103 ngày để chữa lành. Dữ liệu điều tra từ bang Washington cho thấy khoản bồi thường cho nhân viên bị rối loạn cơ xương thường lên tới hàng chục nghìn USD, thậm chí một số còn vượt quá con số 100.000 USD. Mặc dù vậy, không ít người không nhận được tiền do thời gian ủ bệnh lâu và khi phát hiện, có thể họ đã nghỉ việc tại Amazon.
Tania Troit (48 tuổi) - người cũng làm việc trong nhà kho DuPont, bắt đầu nhận thấy cơn đau ở hông vào tháng 3/2021. Bà cho biết văn hóa tại Amazon là buộc nhân viên chịu đựng cơn đau hoặc uống thuốc giảm đau. “Họ nói rằng điều đó là bình thường, chỉ cần uống thuốc giảm đau và nó sẽ biến mất. Chúng tôi tiếp tục làm việc, cạnh tranh để đạt mục tiêu mà người quản lý đặt ra. Đến cuối ca làm việc, tôi thường xuyên khập khiễng, gần như không thể đi lại”.
Một tài liệu tòa án về vụ kiện chấm dứt hợp đồng giữa Amazon và một nhân viên ở New York năm ngoái, gã khổng lồ thương mại điện tử thường kỷ luật người lao động không đạt năng suất, ngay cả khi họ gần đạt chỉ tiêu. Giai đoạn 2018 - 2020, nhiều nhân viên đã nhận được thông báo kỷ luật bằng văn bản dù họ đang làm việc với 80 - 90% năng suất kỳ vọng.
Về vấn đề chấn thương, Amazon cho biết họ đang làm việc để giải quyết cuộc khủng hoảng này đồng thời đặt mục tiêu giảm 40% tình trạng rối loạn cơ xương tại các cơ sở kho hàng trong 3 năm tới. Trong bức thư gửi cổ đông vào năm ngoái, nhà sáng lập Jeff Bezos viết: “Amazon cần trở thành nơi làm việc an toàn nhất thế giới”.
Nhưng theo Business Insider, đến nay, Amazon vẫn không cho phép nhân viên làm việc chậm lại để đảm bảo an toàn bất chấp sự đánh tiếng từ các cơ quan quản lý và phương tiện truyền thông.
Nguồn: Yahoo, BI
-
Nghỉ hưu ở tuổi 57 với 197 tỷ USD, tỷ phú Jeff Bezos giờ ra sao: Tận hưởng cuộc sống theo ý thích, không tiếc tiền cho những thú vui xa xỉ khổng lồ
-
Chân dung con trai cả của Jeff Bezos - người có thể thừa kế hàng tỷ USD trong tương lai
-
Toàn cảnh siêu du thuyền dài gấp đôi máy bay Airbus, cao hơn đại kim tự tháp của tỷ phú Jeff Bezos đang ở Hà Lan