Tất cả sản phẩm của Apple sẽ không ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Đó là cam kết của tập đoàn công nghệ Mỹ về lượng khí thải của mình với thế giới. Apple đang có kế hoạch đưa toàn bộ khí thải cacbon về 0% sớm hơn các mục tiêu của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu).
"Những phát minh thân thiện môi trường không chỉ đem lại lợi ích cho hành tinh của chúng ta, mà chúng còn giúp cho những sản phẩm của Apple tiết kiệm năng lượng hơn và cung cấp nguồn năng lượng sạch cho toàn cầu. Những hành động vì môi trường có thể làm nên nền tảng của kỷ nguyên sáng tạo mới giúp gia tăng thêm các cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững... Cùng với cam kết gắn liền với việc giảm lượng khí thải cacbon về 0, chúng tôi hy vọng sẽ là những người tạo tiền đề cho sự thay đổi tích cực tới môi trường", CEO Apple Tim Cook chia sẻ.
Tập đoàn công nghệ Mỹ mong muốn giảm 75% lượng khí thải vào năm 2030 và sẽ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp loại bỏ 25% lượng khí cacbon còn lại.
Vậy Apple đang có những kế hoạch như thế nào?
Sản phẩm sử dụng vật liệu ít cacbon
Apple sẽ tiếp tục mở rộng việc sử dụng các vật liệu ít carbon và tái chế cho các sản phẩm của mình. Họ đổi mới phương thức tái chế và phát triển các sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhất có thể.
Trong số những phát minh mới nhất, "Táo khuyết" đã giới thiệu con robot Daisy chuyên tháo rời iPhone và robot Dave chuyên tháo rời môđun Taptic Engine khỏi iPhone. Ngoài ra, phòng thí nghiệm phục hồi vật liệu của Apple có trụ sở tại thành phố Austin thuộc tiểu bang Texas, Mỹ đang hợp tác với trường Đại học Carnegie Mellon để nghiên cứu và phát triển các giải pháp kỹ thuật phục vụ mục đích đổi mới công nghệ tái chế điện tử.
Chính vì thế, tất cả iPhone, iPad, Mac và Apple Watch sản xuất vào năm 2019 đều được làm bằng vật liệu tái chế. Trong đó có bao gồm 100% nguyên tố đất hiếm tái chế. Chính những nỗ lực trên của "Táo khuyết" đã góp phần giảm 4,3 triệu tấn cacbon trong môi trường nhờ vào những đổi mới trong thiết kế và hệ thống tái chế tiên tiến.
Nâng cao hiệu năng
Apple đang tìm ra những phương pháp mới để giảm tiêu thụ năng lượng tại các nhà máy của mình, kèm theo việc hỗ trợ các chuỗi cung ứng thực hiện chuyển đổi đó.
Thông qua mối quan hệ đối tác mới, Quỹ năng lượng xanh tại Trung Quốc (China Clean Energy Fund) đang đầu tư 100 triệu USD vào các dự án tiết kiệm năng lượng dành cho các nhà cung cấp linh kiện. Con số đã lên đến 92 nhà cung cấp tham gia vào chương trình đồng hành cùng Apple và giảm hơn 779.000 tấn lượng khí thái mỗi năm.
Apple cũng đầu tư nâng cao hiệu quả năng lượng cho gần 600.000 m2 tại các tòa nhà mới và hiện đang có của mình, giúp nhu cầu sử dụng điện giảm 20% và tiết kiệm cho tập đoàn tới 27 triệu USD.
Năng lượng tái tạo
Apple sẽ tiếp tục hoạt động dựa trên năng lượng tái tạo, tập trung cho các dự án mới và chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng của mình sang sử dụng nguồn điện sạch.
Gã khổng lồ công nghệ hiện đang cam kết với hơn 70 nhà cung cấp sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo để sản xuất công nghệ (gần 8 Gigawatt). Bằng cách đáp ứng các cam kết này, các đối tác của Apple sẽ tránh việc thải hơn 14,3 triệu tấn khí CO2 mỗi năm (tương đương với hơn 3 triệu chiếc xe ô tô).
Các dự án mới và đã hoàn thành tại các bang như Arizona, Oregon và Illinois mang lại năng lượng tái tạo phục vụ hoạt động của Apple lên hơn 1 Gigawatt, tương đương với việc cung cấp điện cho hơn 150.000 ngôi nhà trong vòng 1 năm. Chưa kể, hơn 80% năng lượng tái tạo mà Apple sử dụng cho các cơ sở của mình hiện nay đến từ các dự án có lợi cho cộng đồng và các doanh nghiệp khác. Trên thế giới, Apple đang cung cấp một trong những tấm pin mặt trời lớn nhất tại bán đảo Scandinavia cũng như 2 dự án mới cung cấp năng lượng cho cộng đồng tại Philippines và Thái Lan.
Đổi mới trong quy trình sản xuất và vật liệu
Apple cam kết giảm lượng khí thải bằng cách cải thiện các quy trình và vật liệu cần thiết cho sản phẩm của mình. Tập đoàn đã phát triển quy trình luyện trực tiếp nhôm không chứa cacbon đầu tiên trên thế giới thông qua việc đầu tư và hợp tác liên doanh giữa hai nhà cung cấp nhôm. Thành quả là Macbook Pro 16 inch 2019 là lô máy tính được sản xuất với nhôm không cacbon đầu tiên trên thế giới.
Nhờ sự phối hợp cùng với các đối tác cung ứng, các kỹ sư Apple cũng đã giảm được hơn 242.000 tấn khí thải Flo trong năm 2019. Khí Flo được sử dụng trong sản xuất một số linh kiện điện tử tiêu dùng và góp phần làm Trái Đất nóng lên.
Chương trình không chất thải
Apple đang đầu tư vào rừng và các giải pháp tự nhiên khác trên khắp thế giới để loại bỏ cacbon khỏi bầu khí quyển.
Các chuyên gia sẽ tạo ra quỹ giải pháp khí thải để đầu tư vào việc phục hồi và bảo vệ rừng cùng hệ sinh thái tự nhiên trên khắp thế giới. Việc hợp tác cùng CI (Tổ chức Bảo tồn Quốc tế) cho thấy Apple sẽ đầu tư mạnh tay vào các dự án mới như khôi phục các thảo nguyên xuống cấp ở Kenya hay hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Colombia.
Ngoài ra, Apple cũng đã bảo vệ, cải tạo và quản lý được hơn 1 triệu mẫu rừng và giải quyết vấn đề khí hậu theo cách tự nhiên ở Trung Quốc, Mỹ, Colombia và Kenya cùng WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên).
Apple hứa sẽ bảo vệ môi trường.
Với những gì đã và đang thực hiện, Apple đang cho thế giới thấy những nỗ lực của họ nhiều như thế nào trong vấn đề giảm thiểu tác động tới môi trường.