Giờ đây, Apple quan tâm nhất đến Ấn Độ và Việt Nam, nơi công ty đã có cơ sở sản xuất và nhờ vậy đã thành lập dịch vụ hậu cần. Ngoài ra, các đối tác lớn của Apple đều có trụ sở tại Việt Nam, bao gồm Luxshare và Inventec - những đơn vị lắp ráp AirPods và HomePod.
Tất nhiên, quá trình đa dạng hóa sẽ mất nhiều thời gian bởi vì một số lý do. Thứ nhất, điều kiện ở Trung Quốc vẫn còn độc đáo về nhiều mặt. Thứ hai, Apple có một mạng lưới đối tác sản xuất rất phát triển ở đó, và đặc biệt là Foxconn có một nguồn lực khổng lồ các nhà máy đặt tại đây. Bất chấp những khó khăn đó, Apple dự kiến sẽ chuyển tới 40% sản lượng khỏi Trung Quốc.
Được biết, các lệnh hạn chế của Trung Quốc gần đây đối với các công ty như Foxconn do chính sách phòng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản lượng iPhone của Apple. Theo giới phân tích, khoảng 15-20 triệu chiếc iPhone 14 bị sụt giảm so với kế hoạch khiến tình hình tài chính của Apple bị tác động nặng nề.
Trước đó, báo cáo của Bloomberg cho biết 98% tổng số iPhone được sản xuất tại Trung Quốc và công tác hậu cần được thiết lập tốt nhờ dựa vào nhiều nhà cung cấp linh kiện trong nước. Các dây chuyền sản xuất phức tạp khiến các công ty Mỹ tiêu tốn hàng tỷ USD để phát triển và mất nhiều năm để tạo ra, vì vậy việc thay thế chúng sẽ là một quá trình chậm chạp.
Về cơ bản, Apple phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc so với các công ty khác, do đó họ đã ước tính trong một thập kỷ, toàn bộ ngành công nghiệp phần cứng và điện tử có thể cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc xuống từ 20% đến 30%.