Đua cấu hình với nhau chán chê, giờ các ông lớn điện thoại chuyển sang đua luôn số lượng cảm biến camera trên smartphone. Chưa cần biết thông số cụ thể thế nào, cứ phải có càng nhiều cảm biến càng tốt. Thật ra với người dùng, điều này cũng chẳng có gì quá đáng cả. Nhiều cảm biến đồng nghĩa với việc ảnh chụp của họ sẽ đẹp hơn, xịn hơn, và cho phép họ làm được nhiều trò độc đáo hơn trong sự nghiệp sống ảo của mình.
Nhưng có nhiều cảm biến là một chuyện, sắp xếp những cảm biến này thế nào ở mặt sau chật chội của smartphone lại là một vấn đề khác. Cho đến nay, chưa có một nhà sản xuất nào có thể giải quyết bài toán này một cách hoàn hảo, kể cả Apple - gã khổng lồ nổi tiếng với việc đặt thiết kế sản phẩm lên hàng đầu.
Trong một diễn biến khác, những hình ảnh render mới đây của Samsung Galaxy S11 Plus lại khiến cho vấn đề này trở nên nóng hơn bao giờ hết. Không cần mô tả nhiều, bạn cứ nhìn bức ảnh dưới đây là hiểu:
Samsung Galaxy S11 Plus cũng tham gia cuộc đua số lượng cảm biến camera sau, nhưng bài toán thiết kế thì vẫn chưa giải quyết được.
Thôi thì nhân dịp này, cùng điểm lại các nhà sản xuất lớn đã tiếp cận xu hướng nhiều cảm biến camera như thế nào, và giải pháp thiết kế họ đưa ra là gì. (Nói là giải pháp thôi chứ thực chất là chưa có sản phẩm nào vừa mắt người dùng đâu nhé!)
Google Pixel 4 - Trông có khác gì meme Pikachu không cơ chứ.
Tưởng vô lý nhưng nhìn kĩ thì hóa ra cũng thuyết phục thật.
Có thể bạn chưa từng nghĩ đến điều này, nhưng sau khi nhìn 2 bức ảnh so sánh trên đây thì, xin lỗi nhé, chắc chắn là từ giờ cứ nhìn vào camera sau của Pixel 4 là bạn sẽ nghĩ đến bản mặt của con Pikachu ngay. Để một chiếc smartphone có giá niêm yết đến 799 USD lại sở hữu nét thiết kế giống một cái meme đình đám trên Internet thì rõ ràng là không hề ổn một chút nào. Vui vẻ hài hước ở chỗ khác thì được, còn động chạm đến vấn đề sản phẩm, đến bộ mặt kiếm tiền của hãng thì rõ ràng đây là một nước đi không được tốt cho lắm của Google.
Vậy thiết kế cụm camera sau này có gì không ổn? Chính là khoảng trống quá nhiều. Đúng là những khoảng trống âm (negative space) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thiết kế, nhưng thế này thì lại hơi quá, trong khi 3 cái cảm biến bé tí, đặt cách xa nhau khá rời rạc. Thế nên tổng thể cả cụm camera quá bành trướng, trong khi diện tích thực sự lại chẳng lớn đến thế.
iPhone 11 Pro - Bếp điện mini là đây chứ đâu
Vấn đề của iPhone 11 Pro lại trái ngược hoàn toàn với Pixel 4: Quá ít negative space. 3 cảm biến vừa to vừa tròn, đặt quá sát nhau khiến cả cụm camera sau trở nên chật chội và có phần khó chịu, đặc biệt là với những người mắc chứng sợ lỗ (trypophobia).
Thậm chí khi iPhone 11 Pro mới ra mắt vào tháng 9 vừa qua, Internet đã lập tức rộ lên trào lưu chế meme cho cụm camera sau này, so sánh nó với những chiếc fidget spinner, quả bóng bowling và nổi tiếng nhất là chiếc bếp điện như hình ảnh trên đây.
Samsung Galaxy S11+ - bồn rửa bát à?
Galaxy S11+ vẫn chưa chính thức ra mắt, và đây mới chỉ là những hình ảnh render mà thôi. Thế nhưng sẽ thật là cạn lời nếu sản phẩm thực tế cũng sở hữu thiết kế như thế này. iPhone 11 Pro là cái bếp điện, thì Galaxy S11+ sẽ là cái bồn rửa bát, đúng chất trời sinh một cặp.
Các thấu kính nhỏ như Pixel 4, đặt rời rạc và chẳng tuân theo bất cứ quy tắc căn lề nào cả - một điều tối kị trong thiết kế. Phần viền đen bao quanh các thấu kính thì lại quá rộng, quá thừa thãi, không có chút giá trị thẩm mĩ nào.
Các ông lớn đã toang thế rồi thì còn hy vọng gì ở những “cháu nhỏ”.
Thiết kế gọn gàng đến mức nhạt nhẽo
Không còn bành trướng như Pixel 4 hay iPhone 11 Pro, một số smartphone đã lựa chọn cách thiết kế các thấu kính camera sau theo hàng ngang/dọc, căn chỉnh cẩn thận tỉ mỉ. Nhưng khi nhìn vào, chúng ta lại thấy không thấy có gì ấn tượng, đặc sắc, chẳng khác nào những sản phẩm từ 3, 4 năm trước, chỉ là thêm 1, 2 cảm biến mà thôi.
Không vuông thì tròn, ít ra còn tạo ra chút khác biệt
Camera sau của OnePlus 7T trông như cái ống nhòm, nhưng ít nhất là vẫn còn cân đối và tạo ra sự khác biệt.
OnePlus 7T đã vấp phải không ít nhận xét tiêu cực vì cụm camera sau của mình, nhưng ít nhất nó còn tạo ra sự khác biệt so với các ông lớn phía trên. Chính nhờ thiết kế này đã tạo nên một nét đặc trưng cho OnePlus 7T, giúp người dùng dễ dàng nhận ra ngay khi mới nhìn vào. Nói thế không có nghĩa là nó hoàn hảo: OnePlus 7T vẫn mắc phải sai lầm tương tự khi diện tích dành cho camera sau lớn quá mức cần thiết.
Vivo Nex 3
Vivo Nex 3 cũng học theo OnePlus, nhưng lại thêm thắt vào quá nhiều chi tiết thừa thãi như phần viền bao quanh khu vực camera sau quá dày, lại còn viết thêm dòng chữ lên trên, đã thế còn đẩy luôn đèn flash ra ngoài. Tại sao chứ? Họ định chứng minh điều gì vậy? Nếu là để tạo ra điểm khác biệt thì có vẻ hơi thất bại rồi vì nó chẳng để lại ấn tượng nào cả.
Thôi thì làm cụm camera giống trên máy ảnh DSLR luôn đi cho vừa lòng thiên hạ
Đó chính là trường hợp của Huawei Mate 30 Pro với thiết kế cụm camera sau với 4 cảm biến cân đối, vừa mắt. Phía bên ngoài là tên thương hiệu, cùng các loại cảm biến khác, được sắp xếp song song với cụm camera một cách hài hòa và tinh tế. (Đừng có nhét phần text vào cụm camera là tự khắc sẽ đẹp).
Tuy nhiên, diện tích vẫn hơi bành trướng quá nhé, cần cho nhỏ lại một chút!
Redmi K30 series - trông giống hệt như cái khe đút xèng ở mấy cái khu game center trong trung tâm thương mại
Trước tiên là phải ghi nhận Xiaomi trong việc nỗ lực học hỏi xu hướng thiết kế camera của các đối thủ khác. Nhưng có điều khi kết hợp các xu hướng này với nhau thì kết quả lại không được vừa mắt cho lắm: Các cảm biến được xếp theo hàng dọc, cân giữa và nằm ở nửa trên của mặt sau máy. Chắc Xiaomi cũng thấy kiểu thiết kế này hơi nhàm chán nên vẽ luôn một vòng tròn bao quanh, dù chẳng để làm gì. Kết quả cuối cùng là tạo ra cái “khe đút xèng” như thế này đây.
Camera lật - ý tưởng hay như thực hiện thì lại hơi chán
Cụm camera lật của Asus Zenfone đã mang đến một làn gió mới cho lĩnh vực thiết kế camera smartphone. Với 2 cảm biến được sắp xếp cân đối qua đèn flash ở giữa, camera này trông giống như bộ mặt của 1 con cú khá đáng yêu và độc đáo. NHƯNG, tại sao lại phải thêm dòng chú thích “flip camera” vào làm gì vậy nhỉ? Các nhà sản xuất smartphone, hãy dừng ngay việc chèn chữ vào các cụm camera đi, trông chẳng có tí thẩm mĩ nào cả.
Samsung cũng đã thử nghiệm xu hướng này với Galaxy A80. Thoạt nhìn thì tưởng nó chỉ là cụm camera sau thông thường với 3 cảm biến được dàn hàng ngang, nhưng chỉ với thao tác trượt đơn giản, cụm camera này sẽ lật ra mặt trước, sẵn sàng phục vụ nhu cầu selfie sống ảo của người dùng.
Đây mới chỉ là những ý tưởng cơ bản nhất về hệ thống camera lật - 1 trong những xu hướng khá tiềm năng và có thể sẽ phổ biến hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, có một nỗi lo là cứ lật ra lật vào nhiều quá thì chắc chỉ tầm 1 - 2 năm thôi là mấy cụm camera này vứt đi hết.
Nokia 9 Pure View - Sáng tạo không giới hạn, nhưng thế này thì hơi quá
Nói ngắn gọn thôi: Mấy người sợ lỗ thì không nên dùng chiếc smartphone này!
Và cũng chính sự sáng tạo táo bạo này đã dẫn đến 1 xu hướng mới: Nhồi nhét càng nhiều cảm biến càng tốt, giống như bản render của Sony L16 dưới đây:
Thôi thôi dẹp, không cần thẩm mĩ gì hết, chỗ nào nhét được cảm biến thì cứ nhét đã đời đi.