Theo báo cáo, model bo mạch chủ ROG Maximus Z690 Hero của Asus đã bị phát hiện dễ gây hỏa hoạn do lỗi trong quá trình lắp ráp. Công ty đã phát đi cảnh báo thu hồi, và cho đến nay đã có 10.000 bo mạch chủ ở trong danh sách này.
Quay trở lại tháng 1/2022, một YouTuber đã phát hiện ra rằng Asus đã lắp đặt ngược chiều một trong những tụ điện của bo mạch chủ trị giá 600 USD, và điều này đã gây ra nguy cơ hỏa hoạn khi sử dụng. Asus hứa sẽ làm việc với các cơ quan chính phủ về một chương trình thay thế. Giờ đây, 7 tháng sau khi sự cố được phát hiện, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) và Asus cuối cùng cũng chính thức công thông báo về việc thu hồi.
Theo thông báo thu hồi của CPSC, khoảng 10.000 bo mạch chủ bị ảnh hưởng với số sê-ri bắt đầu bằng MA, MB và MC - một số sê-ri mà người dùng có thể tìm thấy trên nhãn bên cạnh đầu nối nguồn ATX 24 chân hoặc hộp của bo mạch chủ nếu nếu nó xảy ra lỗi. Mặc dù Asus đã lập trang web thu hồi, tuy nhiên ở thời điểm này nó vẫn chưa hoạt động. Có vẻ như người dùng sẽ phải thực hiện điều này thông qua chương trình dịch vụ chăm sóc khách hàng của công ty.
CPSC cho biết đã có 10 báo cáo về việc bo mạch chủ bị tan chảy cho đến nay nhưng không có thương tích nào. Cơ quan này không nói liệu có bất kỳ tài sản nào khác bị hư hại hay không. Có lẽ, vấn đề đã được khắc phục đối với các bo mạch chủ được bán ra từ tháng 1/2022.
Việc thu hồi bộ phận của máy tính để bàn không đặc biệt phổ biến, nhưng chúng xuất hiện thường xuyên hơn khi những người dùng YouTube hiểu biết đã bắt đầu tìm hiểu lý do tại sao bộ phận của họ bị lỗi. Một game thủ có biệt danh Nexus đã phát hiện ra lỗi với case H1 mini-ITX của NZXT do nguy cơ hỏa hoạn, buộc công ty này phải tiến hành thu hồi sản phẩm. Ngoài ra, một báo cáo liên quan đến PSU của Gigabyte có nguy cơ phát nổ cũng đã được ghi nhận.