Sáng 30/5, ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng "lò vôi") đã thông báo về việc thực hiện livestream trên kênh Facebook cá nhân của mình (có đâu tick xanh) và trên một số kênh YouTube. Động thái này diễn ra khi trước đó 1 ngày, bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng) vừa phải tạm hoãn buổi livestream.
"Tôi chúc sức khoẻ quý vị và các bạn. Chúc quý vị và các bạn có một ngày cuối tuần bình an và hạnh phúc. Quý bạn bè thân mến! Vào lúc 15h00 chiều ngày hôm nay, 30/5/2021, tôi sẽ có buổi chia sẻ trực tuyến cùng quý vị", ông Dũng thông báo.
Đồng thời ông cho biết, buổi chia sẻ sẽ được phát trực tiếp trên kênh Facebook chính chủ của tôi, trên kênh YouTube Trường Đua Đại Nam và kênh YouTube Nguyễn Phương Hằng.
Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng) đã có một buổi livestream vào tối 25/5, phá vỡ nhiều kỷ lục và tạo ra "cơn sóng" mạnh trên mạng xã hội. Trong livestream, bà nhắc tới hàng loạt tên tuổi lớn trong giới showbiz như danh hài Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, diễn viên Hồng Vân,... mà nổi cộm là câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh kêu gọi từ thiện.
Đánh giá mạng xã hội tại Việt Nam đang có diễn biến phúc tạp, ngay lập tức, Bộ TT&TT có chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc và liên quan chấn chỉnh hoạt động trên mạng xã hội. Đồng thời gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TT&TT và lực lượng công an tăng cường rà soát, xử lý các vi phạm trên mạng xã hội.
Cụ thể, ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký chỉ thị về tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet. Theo đó, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên mạng Internet diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
"Tình trạng mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức; phát tán, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của tổ chức; đãng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc diễn ra phức tạp.
Bên cạnh đó, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đánh bạc và tổ chức đánh bạc; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên mạng, tấn công mạng phát tán mã độc... có chiều hướng gia tăng", Bộ TT&TT đánh giá hiện trạng, từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vi liên quan như Cục An toàn thông tin, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, các nhà mạng viễn thông,...
Sau đó, ngày 28/5, Bộ TT&TT tiếp tục có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội (MXH).
Văn bản nêu rõ: Qua công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng, Bộ TT&TT nhận thấy thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lợi dụng các tính năng của MXH như: Phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.
Trong đó, chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Để kịp thời nắm bắt, có biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT&TT đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở TT&TT, công an các tỉnh, thành phố tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là MXH; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.
Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vị phạm, đề nghị các cơ quan phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.