Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thế giới và góc nhìn trong thời đại của công nghệ.
Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ và quy định viết thư UPU 2020 ở đây. Và để hỗ trợ thí sinh thực hiện bài làm của mình tốt nhất, bên dưới cũng sẽ giới thiệu những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu về chủ đề học sinh sử dụng Facebook.
Tất nhiên các bạn học sinh cần lưu ý rằng bài mẫu chỉ để tham khảo và lấy ý tưởng cũng như cảm hứng, và bài mẫu khi đã đăng trên báo và mạng xã hội thì không thể bê nguyên đi làm bài dự thi. Điều quan trọng làm nên bức thư hay vẫn là dấu ấn cá nhân của mỗi bạn học sinh.
Về nội dung bức thư UPU, năm ngoái nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng đưa ra lời khuyên: "Tra Google để tìm hiểu kỹ về chủ đề của kỳ thi là một lợi thế nếu các em có thể lấy ra nhiều tư liệu quý; nhưng sau đó phải biến những kiến thức mình tra cứu thành ý tưởng của mình bằng sự tinh tế và thông minh rất riêng..."
Trong khi đó nhà văn Phong Điệp truyền thêm cảm hứng sáng tạo cho các bạn học sinh khi viết: "Điều mà các thành viên Ban Giám khảo trông chờ nhất ở mỗi bức thư chính là có cơ hội được lắng nghe các em cất lên tiếng nói của mình, bày tỏ những suy nghĩ về các vấn đề của cuộc sống cũng như tâm tư, khát vọng của cá nhân".
Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về Facebook
Kính gửi cô giáo chủ nhiệm
Từ đầu năm học đến nay cũng đã được gần một học kỳ lớp chúng em được cô làm chủ nhiệm, và em luôn cảm phục đặc biệt về cô như một cô giáo đáng kính, tận tâm với học sinh.
Nhưng chỉ riêng một chuyện mà em cảm thấy hơi e ngại, đó là cô thường rất khắt khe với việc học sinh dùng Facebook. Vì thế hôm nay em muốn qua những dòng thư này chia sẻ một chút cảm nhận của học sinh bọn em.
Thực ra em có thể hiểu được vì sao cô và rất nhiều người lớn khắt khe và "dị ứng" với Facebook đến vậy. Hiện tượng "nghiện Facebook" thời đại ngày nay có thể coi là vấn nạn cần phải kiềm chế và điều chỉnh, bởi nó gây ra nhiều hậu quả không đáng có.
Facebook là mạng lưới xã hội, nơi trò chuyện, thư giãn, giải trí, chia sẻ, thổ lộ tâm trạng, cập nhật thông tin. Có thể nói Facebook chính là một thế giới mới, ở đó chúng ta tha hồ trò chuyện, chát chít, thậm chí cũng có rất nhiều người nổi tiếng được biết đến thông qua hệ thống mạng lưới này.
Facebook cũng chính là một trong những hình thức giải trí và nhiều bạn trẻ tìm đến để giải tỏa căng thăng, tìm sự đồng cảm, chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh. Nó khiến cho chúng ta có thể biết được tâm trạng, cảm xúc của những người xung quanh mình mà không cần gặp gỡ. Thật đơn giản và tiện ích.
Tuy nhiên Facebook lại là mạng lưới dễ gây nghiện đối với người dùng nếu như không biết kiểm soát thời gian, kiểm soát bản thân. Bạn chăm sóc Facebook của mình để những lượt like, comment; bạn lướt thông tin liên tục. Như thế cũng khiến cho bản thân mỗi người thấy vui, tuy nhiên nếu không cẩn thận thì chính những điều này sẽ cuốn người ta vào thế giới mạng ảo này nhanh chóng, khó có thể dứt bỏ ra.
Nhiều bạn trẻ hiện nay đã giành thời gian quá đà để lướt Facebook mỗi ngày: đi học cũng Face, đi làm cũng Face, đi chơi với bạn bè cũng Face, ngồi với bố mẹ được một lúc cũng chụp ảnh up Face. Hình như thiếu đi Facebook nhiều người cảm thấy cuộc sống thực tẻ nhạt và vô vị vô cùng.
Nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 hiện nay cũng đang bị lôi cuốn vào Facebook. Chiếc điện thoại là vật bất di thân và các bạn dành thời gian vào đó quá nhiều. Điều quan trọng là vì thế thời gian cho học hành của các bạn ít đi.
Rồi nhiều khi bạn cứ tưởng danh sách bạn bè có tới mấy nghìn người bạn là ghê gớm nhưng lại không biết rằng mình đang thu hẹp rất nhiều mối quan hệ xung quanh mình.
Những mối quan hệ thân thiết bình thường trở nên dãn ra, không gian giành cho bạn bè cũng không có, thời gian học hành cũng bị gián đoạn và tâm trí của bạn cũng dần mất dần cảm xúc vì những thứ "ảo", thậm chí dễ sa đà vào những văn hóa thiếu lành mạnh.
Khi rơi vào tình trạng đó, hậu quả thường là điểm kém, kết quả học tập kém, và ý thức kỷ luật, hạnh kiểm cũng trở nên đi xuống. Điều này thật đáng buồn và không đáng có chút nào.
Mặc dù vậy,
Em tin rằng khi học sinh chúng em nhận thức và vượt qua được những mặt trái chiều của môi trường Facebook thì cả thế giới tươi đẹp sẽ mở ra.
Em tin rằng Facebook hay môi trường mạng nói chung có thể giúp tăng tính tương tác, học hỏi giữa các thành viên trong lớp.
Và em tin rằng mỗi học sinh với cách ứng xử phù hợp trên Facebook có thể khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Đó là lý do vì sao em mong cô có cái nhìn tích cực hơn, khuyến khích chúng em tham gia và kiến tạo những không gian bổ ích trên Facebook và các mạng xã hội.