Chế độ nguồn điện thấp là một chế độ mà iOS (hoặc iPadOS) sẽ gợi ý người dùng kích hoạt mỗi khi dung lượng pin trên iPhone (hoặc iPad) xuống dưới mức 20%. Theo mô tả của Apple, hệ thống sẽ giới hạn hoạt động của các ứng dụng trong nền, hạn chế làm mới dữ liệu... để tiết kiệm năng lượng tiêu thụ.
Chế độ nguồn điện thấp xuất hiện lần đầu tiên trên iOS 9
Tuy nhiên, Apple không hề miêu tả cụ thể điều gì sẽ xảy ra khi chế độ này được kích hoạt và nó ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của thiết bị và trải nghiệm sử dụng của người dùng. Trên thực tế, "Chế độ nguồn điện thấp" có tác động cực lớn đến việc vận hành của một chiếc iPhone. Vậy nó tác động như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Giảm độ sáng màn hình
Màn hình luôn là thành phần gây hao tổn điện năng nhất trên các thiết bị di động. Do đó, các hãng vẫn luôn tìm cách gia tăng thời lượng pin của sản phẩm bằng việc giảm điện năng tiêu thụ của màn hình, Apple cũng không phải ngoại lệ.
iPhone sẽ giảm một chút độ sáng màn hình khi "Chế độ nguồn điện thấp" được kích hoạt
Khi bật "Chế độ nguồn điện thấp", iPhone sẽ giảm một chút độ sáng màn hình, nhưng không đáng kể. Bằng mắt thường, hầu như chúng ta sẽ không nhận ra sự thay đổi này. Do đó, đây là một điều chỉnh khá thông minh đến từ vị trí của Apple, nó vừa giúp cải thiện thời lượng pin vừa không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm sử dụng của người dùng.
Ngưng làm mới ứng dụng trong nền
Trong một điều hành, chúng ta luôn có những ứng dụng sở hữu khả năng làm mới dữ liệu liên tục hoặc sẽ cập nhật theo chu kỳ, nhưng điểm mấu chốt là chúng hoạt động hoàn toàn tự động.
Tính năng "Làm mới ứng dụng trong nền" cũng sẽ bị bất hoạt
Tuy nhiên, khi "Chế độ nguồn điện thấp" được kích hoạt, iOS sẽ hạn chế các tác vụ làm mới dữ liệu này. Ví dụ, ứng dụng Mail sẽ ngưng cập nhật các email mới cho đến khi người dùng thực hiện thao tác này thủ công hoặc cắm sạc thiết bị.
Có một số trường hợp ngoại lệ, có thể kể đến các ứng dụng buộc phải cập nhật dữ liệu liên tục như Messenger hay Telegram sẽ không bị ảnh hưởng bởi "Chế độ nguồn điện thấp".
Giảm thời gian chờ
Thông thường, thời gian chờ của màn hình là một thông số có thể cài đặt được. Đây là khoảng thời gian từ lần cuối người dùng chạm vào màn hình cho đến khi thiết bị giảm độ sáng và sau đó là tự động khoá.
Thời gian chờ của iPhone sẽ được "khoá chết" ở 30 giây
Tuy nhiên, khi kích hoạt "Chế độ nguồn điện thấp", thời gian chờ của màn hình sẽ bị khóa lại ở 30 giây. Điều này giúp thiết bị không phải duy trì màn hình sáng quá lâu nếu người dùng không sử dụng, từ đó tăng được đáng kể thời lượng pin.
Ngưng đồng bộ iCloud Photos
Nếu bạn đang sử dụng iCloud để sao lưu hình ảnh thì dịch vụ này sẽ đồng bộ hình ảnh lên máy chủ của Apple bất kỳ khi nào iPhone hoặc iPad của bạn kết nối với Wi-Fi. Tuy nhiên, khi "Chế độ nguồn điện thấp" được kích hoạt, toàn bộ quá trình này sẽ tạm thời bị dừng lại, tức là những bức ảnh bạn vừa chụp sẽ chưa hề được tải lên iCloud Photos.
Quá trình sao lưu ảnh lên iCloud cũng tạm thời dừng lại
Nếu không may có bất kỳ vấn đề gì xảy đến thì khả năng cao là bạn sẽ mất toàn bộ những hình ảnh chưa được sao lưu kể trên.
Giảm hiệu năng CPU và GPU
Khi kích hoạt "Chế độ nguồn điện thấp" toàn bộ hiệu năng của bộ vi xử lý sẽ bị giới hạn, do đó, đừng thắc mắc vì sao chiếc iPhone lại chậm và lag như vậy khi "Chế độ nguồn điện thấp" đang bật nhé.
Nếu không tin, người dùng hoàn toàn có thể kiểm chứng bằng các phần mềm chấm điểm hiệu năng như Geekbench trong khi bật và tắt chế độ kể trên.
Và đó gần như là tất cả những gì mà "Chế độ nguồn điện thấp" tác động lên một thiết bị iPhone nếu nó được kích hoạt. Nếu đối với bạn, việc thời lượng pin kéo dài thêm vài phút xứng đáng với những đánh đổi kể trên thì hãy cứ kích hoạt nó 24/7.
Còn nếu không, đừng quá lạm dụng công cụ tiết kiệm pin này, vì nó không những ảnh hưởng đến hiệu năng mà còn là trải nghiệm sử dụng hàng ngày của bạn nữa đấy. Thử nghĩ xem, bạn mua một chiếc iPhone không phải vì cả 2 thứ đó hay sao?
Nguồn: Tổng hợp