Bằng chứng bất ngờ về 3 mặt trăng khổng lồ có thể đầy sự sống

Một hiện tượng thần kỳ mới được phát hiện trên nhóm 4 mặt trăng Galilean của Sao Mộc, khiến 3 trong số chúng có đại dương nước lỏng có thể hỗ trợ sự sống.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Hamish Hay thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA đã xác định được một hiện tượng kỳ lạ xảy ra giữa 4 mặt trăng khổng lồ Galilean của Sao Mộc: Europa, Ganymede, Io và Callisto, là những thiên thể do nhà thiên văn học lừng danh Galileo Galilei xác định từ đầu thế kỷ 17.

Bằng chứng bất ngờ về 3 mặt trăng khổng lồ có thể đầy sự sống - 1

Đó là quá trình tương tác hấp dẫn qua lại giữa 4 mặt trăng, làm nóng thủy triều. Trước đây, người ta tin rằng các mặt trăng chỉ tương tác thủy triều với hành tinh mẹ của chúng, giống như cách Trái Đất và mặt trăng của Trái Đất tương tác.

Việc thủy triều bị tác động bởi cả hành tinh mẹ lẫn các mặt trăng còn lại ở 4 mặt trăng Sao Mộc sẽ khiến chúng ấm áp nhiều hơn so suy nghĩ với trước đây. 4 mặt trăng này và bản thân Sao Mộc nằm ngoài "vùng sự sống" của Hệ Mặt Trời. Với khoảng cách xa, nhiệt lượng từ mặt trời sẽ không đủ để nuôi dưỡng sự sống. Nhưng với tác động mới phát hiện, các đại dương ngầm của chúng sẽ đủ ấm áp thông qua sự kích thích của sóng thủy triều cộng hưởng tần số cao.

Mặt trăng Io là thiên thể duy nhất trong nhóm 4 mặt trăng Galilean khó lòng có cơ hội sống được trong hiện tại. Được mệnh danh "mặt trăng núi lửa" với hoạt động địa chất sôi động quá mức, "đại dương ngầm" của nó chỉ có thể là magma – đá nóng chảy. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Antony Trinh từ Phòng thí nghiệm Mặt trăng và hành tinh thuộc Đại học Arizona, đồng tác giả, chính Trái Đất sơ khai đã trải qua hoạt động "địa ngục" với hoạt động núi lửa lan rộng giống Io. Vì vậy, không thế nói trước điều gì.

Các tác giả hy vọng những công trình tương lai sẽ tiếp tục xoáy sâu vào các đại dương ngoài hành tinh trong 4 mặt trăng này.

Trước đó, đã có một số công trình cho thấy Europa, Ganymede và Calisto có thể hỗ trợ sự sống. Nổi bật nhất là Europa, từng được NASA ví như một "trái đất khác", khi phát hiện ra hệ thống sông, hồ, núi non... y hệt Trái Đất trên thiên thể này.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters.