Nghiên cứu gây sốc vừa công bố trên tạp chí khoa học PNAS, khẳng định "biển mây" trứ danh của Sao Kim có thể tạo ra một loạt phản ứng khóa học khiến cho môi trường trở nên dễ sống hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây của giới khoa học.
Giáo sư Sara Seager từ Khoa Khoa học Trái Đất, khí quyển và hành tinh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ), một trong các tác giả chính của nghiên cứu, khẳng định: "Amoniac không nên có trên Sao Kim".
Trước đó, bằng chứng về rất nhiều amoniac trong biển mây của Sao Kim đã được ghi nhận bởi nhiều tàu vũ trụ và phương tiện quan sát khác. Đó là một điều lạ lùng bởi các thành phần khác trong khí quyển và môi trường của hành tinh không hề phù hợp để tạo ra lượng amoniac đó.
"Nó có gắn hydro và có rất ít hydro xung quanh. Bất kỳ loại khí nào không thuộc về môi trường của nó sẽ bị nghi ngờ rằng được tạo ra bởi sự sống" - tờ Sci-News trích dẫn phân tích của giáo sư Seager.
Các nhà nghiên cứu đã xây dựng các mô hình, chỉ ra một cách rõ ràng rằng ngay cả các nguồn tự nhiên như sét, núi lửa hay va chạm thiên thạch của không đủ tạo ra lượng amoniac nhiều như thế trong khí quyển, nhưng sự sống thì có.
Trước đó, đã có một số dấu hiệu sinh học khác được ghi nhận trên Sao Kim, ví dụ như phosphine (khí ma trơi), tuy nhiên các nhà khoa học vẫn đặt ra nghi vấn vì biển mây Sao Kim vốn ngập axit sunfuric. Tuy nhiên nếu sự sống dạng vi sinh vật tồn tại, nó hoàn toàn có thể trung hòa axit và khiến biển mây này càng dễ sống hơn với các sinh vật "cao cấp" hơn.
Sao Kim từ lâu được biết đến như người anh em song sinh của Trái Đất, nằm trong vùng sự sống của hệ Mặt Trời, nhưng không may mắn trong quá trình tiến hóa hành tinh và trở nên khó sống.